Được, mất trái phiếu doanh nghiệp: Lấy lại niềm tin của nhà đầu tư

Minh Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để thị trường trái phiếu DN (TPDN) Việt Nam lành mạnh, minh bạch và phát triển, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, cần cải tổ và chấn chỉnh tận gốc để lấy lại niềm tin nhà đầu tư.

>>> Bài 1: “Hô biến” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

>>> Bài 2: Trong mê trận trái phiếu doanh nghiệp

>>> Bài 3: Gian nan hành trình đòi lại tiền

>>> Bài 4: Nhiều lỗ hổng trên thị trường

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cần công cụ để nhà đầu tư nhận biết rủi ro

Ông đánh giá thế nào về bức tranh TPDN Việt Nam, những được, mất của thị trường này trong bối cảnh hiện tại?

- Cũng như các thị trường tiên tiến trên thế giới, tại Việt Nam, thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn quan trọng và là đòn bẩy đắc lực cho các DN, đặc biệt nguồn vốn dài hạn. Những năm trở lại đây, thị trường trái phiếu phát triển rõ nét. 4 năm qua, TPDN có giá trị phát hành đạt hơn 700.000 tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước. Đây là điều đáng mừng khi thị trường tài chính đón nhận TPDN như một kênh huy động mới, hấp dẫn và làm nhẹ bớt gánh nặng cho vay của các ngân hàng.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường này cũng đang tồn tại rất nhiều vấn đề, trong đó có các kẽ hở quản lý, minh bạch thông tin, sử dụng vốn sai mục đích… gây ra những thiệt hại không hề nhỏ cho một số nhà đầu tư. Từ các vụ việc thời gian qua, cơ quan quản lý, nhà đầu tư và chính các DN phát hành trái phiếu phải nhìn nhận lại vai trò của TPDN trong hệ thống tài chính Việt Nam để có giải pháp quản lý phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững.

Là người nhiều năm hoạt động tại thị trường tài chính Mỹ, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành và giám sát thị trường TPDN tại các nước trên thế giới nói chung, tại Mỹ nói riêng?

- Đối với thị trường tại các nước phát triển như Mỹ thì những thiếu sót như đang diễn ra trên thị trường Việt Nam bao gồm thiếu sót về mặt pháp lý, sự thiếu kiểm soát của những cơ quan quản lý và sự thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư cá nhân hầu như không hiện hữu. Với các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ, sự hiểu biết về thị trường tài chính và tính tuân thủ luật pháp của họ rất cao. Nếu bản thân không có kiến thức tài chính thì họ thường được hỗ trợ bởi các công ty kinh doanh chứng khoán, ngân hàng đầu tư và công ty luật. Các công ty này rất có trách nhiệm khi tư vấn khách hàng.

Thị trường trái phiếu cũng có những công cụ để nhà đầu tư nhận biết rủi ro và đưa ra những quyết định hợp lý, thông minh. Một trong những công cụ đó là xếp hạng tín nhiệm (Credit Ratings), phần lớn các trái phiếu đều được rating bởi 3 công ty tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody’s, Standard & Poor's và Fitch Ratings. Các trái phiếu được xếp hạng với 2 mức tín nhiệm: Mức đầu tư hay đáng đầu tư (investment grade) và mức không đầu tư hay không đáng đầu tư (none – investment grade).

Trong mỗi mức này, có nhiều cấp độ khác nhau từ cao xuống thấp nhưng trái phiếu được xếp hạng none – investment grade được gọi là trái phiếu rác, trái phiếu rủi ro cao (Junk bond). Các nhà đầu tư muốn đầu tư an toàn, ít rủi ro thường không chọn những trái phiếu rác này. Nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư chọn trái phiếu rác vì lãi suất cao và họ đã phân bổ rủi ro trong danh mục đầu tư của họ. Điều quan trọng của xếp hạng tín nhiệm là nhà đầu tư ý thức được mức độ rủi ro của trái phiếu, tức là khả năng vỡ nợ của DN phát hành để quyết định mua hay bán.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu

Hành vi lách luật phải bị xử lý

Các động thái của cơ quan quản lý thời gian qua được coi là “liều kháng sinh” mạnh chấn chỉnh thị trường. Tuy nhiên, trong những chấn chỉnh, câu chuyện lấy lại niềm tin thị trường cũng rất cần thiết. Ông nghĩ sao về điều này?

- Các vấn đề xảy ra trên thị trường TPDN Việt Nam hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để lấy niềm tin từ nhà đầu tư, DN phát hành, tổ chức phân phối như ngân hàng, công ty chứng khoán cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của DN phát hành, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu. Cùng với đó là các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Ngoài ra, các công ty kiểm toán độc lập là những đơn vị kiểm tra, xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin chính xác về tình hình tài chính của DN. Nếu các công ty kiểm toán không làm đúng, con số không chính xác sẽ dẫn tới sự thẩm định sai từ phía nhà đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư không cập nhật được tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành, cũng như việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

Ông có khuyến nghị nào để thị trường TPDN Việt Nam ngày càng minh bạch, lành mạnh và tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế?

- Các DN cần tiếp tục khai thác thị trường cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn nhưng cả hai thị trường này cần phải có sự cải tổ và điều chỉnh tận gốc. Thứ nhất, các quy định luật pháp về phát hành và giao dịch cổ phiếu và trái phiếu cần phải được chỉnh sửa và hoàn thiện. Thứ hai, các cơ quan quản lý thị trường bao gồm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm tra thị trường gắt gao và hiệu quả hơn.

Thứ ba, các thành phần thị trường bao gồm nhà phát hành, nhà đầu tư cần phải có tính tuân thủ cao, những hành vi lách luật, vi phạm luật phải bị trừng trị. Nếu không thị trường Việt Nam vẫn luôn còn được xem là thị trường non trẻ, rủi ro và thiếu tiến bộ, không hòa nhập với sân chơi thế giới.

Đặc biệt cần đưa ra quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các loại phát hành trái phiếu vào năm 2023.

Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư TPDN?

- Lời khuyên đặc biệt dành cho các nhà đầu tư: Đừng ham lãi suất cao mà sa bẫy. Cần nghiên cứu kỹ các loại tài sản bảo đảm về giá thị trường, tính thanh khoản và pháp lý. Đồng thời tìm sự tư vấn của các chuyên gia tài chính, pháp luật để hiểu rõ những điều khoản trong các hợp đồng giao dịch cổ phiếu, trái phiếu. Đặc biệt lưu ý tìm những nhà phát hành chân chính, có xếp hạng tín nhiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Tôi cũng như các nhà đầu tư tại Mỹ, khi có kế hoạch mua trái phiếu của một công ty nào đó, thường tra cứu mức xếp hạng tín nhiệm của các trái phiếu muốn mua. Nếu là những trái phiếu không xếp hạng hoặc trái phiếu rác, thông thường tôi sẽ bỏ qua trái phiếu đó. Ở Việt Nam, nhà đầu tư thường không sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm. Họ tự thẩm định và phần lớn là dựa vào uy tín của DN phát hành, sự hấp dẫn của lãi suất thường lên gấp đôi gấp ba so với ngân hàng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần