Đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 tới nay được đánh giá là “con dao hai lưỡi” khi cùng lúc đe dọa nền xuất khẩu Trung Quốc nhưng lại thúc đẩy các cơ hội cải cách quản lý vốn và tiền tệ tại quốc gia này.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng NDT tăng giá 6,1%, khiến các áp lực sụt giá của NDT suy giảm, đồng thời cho phép các nhà hoạch định chính sách có dự địa để nới lỏng các quy định quản lý dòng vốn ra khỏi Trung Quốc. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong tháng 9 đã bỏ quy định dự trữ trong các giao dịch hối đoái kỳ hạn, khiến các tài sản dự bán mệnh giá NDT trở nên đắt đỏ.
Ngành xuất khẩu sẽ đứng đầu danh sách những thiệt hại của Trung Quốc khi NDT duy trì đà tăng trong thời gian dài. Cụ thể, số liệu trong hai tháng gần đây cho thấy khu vực xuất khẩu đã chững lại, so với đà tăng 2,9% của NDT. Với vai trò là động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, việc xuất khẩu sụt giảm khiến Bắc Kinh đau đầu, theo nhà kinh tế cấp cao MK Tang của Tập đoàn Goldman Sachs Hong Kong.
Tuy nhiên, những “cái được” với nền kinh tế thứ hai thế giới cũng phải kể đến. Sự tăng giá của đồng NDT tạo cơ hội cho giới chức Trung Quốc có cơ hội nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn, một vài trong số đó từ trước tới nay vốn gây bất lợi các DN nước này, theo ông Ding Shuang - chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Standard Chartered Hong Kong. Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn cũng tạo điều kiện cho các DN nước này dễ dàng chuyển tiền ra nước ngoài. Trong năm 2016, chính phủ Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát vốn trong nỗ lực ngăn chặn bớt đà sụt giá của đồng NDT. Cũng trong năm ngoái, đồng NDT giảm giá 6,5% so với đồng USD, mức sụt giá tồi tệ nhất kể từ năm 1994.
Một khía cạnh tích cực khác từ đà tăng giá của đồng NDT là sự vui lòng của các nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite liên tục tăng giá trong những tháng gần đây lên mức cao nhất tính từ tháng 1/2016. Cùng lúc đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng cường mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Chuyên gia MK Tang dự báo, các nhà hoạch định chính sách nước này sẽ đưa ra nhiều biện pháp giúp điều chỉnh chính sách tỷ giá đồng NDT theo hướng thả nổi tỷ giá, giảm bớt can thiệp vào tỷ giá đồng nội tệ Trung Quốc.
Theo dự báo của ông Tommy Xie, nhà kinh tế của ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp ở Singapore, chính sách tỷ giá thả nổi sẽ rất có lợi cho nền kinh tế. Theo phân tích của chuyên gia này, khi tỷ giá được thả nổi, nguồn lực của nền kinh tế sẽ được phân phối ở nơi hiệu quả nhất mà không chịu ràng buộc bởi sự kiểm soát của chính phủ. Thị trường tiền tệ ổn định sẽ giúp giới chức Trung Quốc có điều kiện tập trung nhiều hơn vào mục tiêu giảm vay nợ, trong dài hạn, điều này rất có lợi cho nền kinh tế. Đây cũng là phương án được cộng đồng thế giới mong mỏi, đó là Trung Quốc để thị trường quyết định số phận NDT, nhất là khi đồng tiền này đã tham gia giỏ tiền tệ quốc tế hồi cuối năm 2016.