Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, liên tục trong 4 ngày (từ 28/8 đến 31/8) tại địa phương này đã xảy ra mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa phổ biến đo được lên tới 116 – 400mm, có nơi hơn 400mm.
Mưa lớn khiến nhiều đoạn trên QL6 đi qua Hòa Bình chìm sâu trong nước. |
Điển hình như tại xã Đồng Bảng của huyện huyện Mai Châu và xã Dân Hạ của huyện Kỳ Sơn lượng mưa đo được là 327,8mm. Tại xã Tân Pheo của huyện Đà Bắc, lượng mưa đo được là 265,4 mm. Còn tại thị trấn Mường Khến của huyện Tân Lạc, lượng mưa cũng lên tới 289,4 mm.
Việc mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã khiến cho nước lũ trên các sông, sối, hồ, đập ở Hòa Bình dâng cao. Đặc biệt, xuất hiện lũ lớn trên các sông suối, ngập úng, ách tắc nhiều khu vực dân cư, các tuyến đường giao thông làm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.Trong đó, huyện Kỳ Sơn là một trong những địa phương bị thiệt hại lớn nhất do mưa lũ. Tính đến ngày 31/8, mưa lũ đã khiến 9 ngôi nhà của người dân địa phương ở đây bị tốc mái và hư hỏng; hơn 100ha hoa màu và lúa bị ngập úng; gần 10ha ao cá bị tràn và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị hư hại. Đặc biệt, tỉnh lộ 445 qua địa bàn huyện bị sạt lở nhiều nơi. Bên tài sản của người dân, mưa lũ cũng gây thiệt hại rất lớn về giao thông cho tỉnh Hòa Bình. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, tính đến thời điểm này, mưa lũ đã khiến nhiều tuyến QL qua tỉnh Hòa Bình bị sạt lở, hư hại, nhiều tỉnh lộ cũng bị thiệt hại. Trong đó đáng kể nhất là QL6 và QL70 xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ngập úng. Thậm chí, tại Km131+250 QL6 thuộc địa phận xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu bị ngập sâu gần 50m và chưa có dấu hiệu dừng lại. Mọi hoạt động giao thông qua đoạn này gần như bị tê liệt. Các tỉnh lộ như TL120, 433, 439, 445.. bị sạt lở ta luy ở nhiều nơi khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Trước tình trạng mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác phòng chống bão lũ trên địa bàn. Đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối các khu vực xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các dự án di dân tái định cư, oont định đời sống cho người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm và hướng dẫn giao thông tại khu vực nước ngập sâu, chảy xiết qua các ngầm, tràn; triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập có nguy cơ cao như hồ Ban, xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc và hồ Nà Rồng, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc. Đối với Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương và lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục các sự cố sạt lở trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.