Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường lây truyền của sốt xuất huyết

Nam Trần (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo GS.TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus dengue gây ra, có thể gây thành dịch.

Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Muỗi có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Loài muỗi này thường trú đậu ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa...
Khi muỗi vằn cái hút máu người bệnh nhiễm virus dengue, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 - 11 ngày. Sau đó virus đến cư trú tại tuyến nước bọt của muỗi, lúc này chúng có thể gây bệnh SXH trong suốt thời gian sống còn lại, vì thế chỉ cần một con mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho nhiều người.
Bệnh SXH do virus dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên mỗi người có thể mắc SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.
Khi nghi ngờ bị SXH, cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo người dân tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.