Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt đô thị Nhổn- Ga Hà Nội: Gỡ nút thắt cuối cùng như thế nào?

Minh Tường thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gói thầu CP05 hiện là nút thắt cuối cùng trong kế hoạch đưa vào vận hành trước đoạn trên cao từ ga S1 - S8, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - Ga Hà Nội.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu về các biện pháp tháo gỡ nút thắt này.

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu.
Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu.

Xin ông cho biết vai trò của gói thầu CP05 trong toàn bộ dự án và đặc biệt với đoạn tuyến trên cao?

- Gói thầu CP05 bao gồm việc xây dựng các công trình kiến trúc khu Depot Nhổn, có tính chất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận hành, bảo trì tuyến ĐSĐT.

Khu Depot chậm trễ hoàn thành sẽ kéo theo việc lắp đặt hệ thống ray, điện, máy móc vận hành, bảo trì tàu chưa thể lắp đặt vận hành.

Muốn đưa đoạn tuyến trên cao vào khai thác nhất thiết phải hoàn thành các hạng mục của Depot. Nói cách khác, không có Depot thì không chạy được tàu.

Hiện tiến độ xây dựng khu Depot đã chậm trễ bao lâu từ lần điều chỉnh cuối cùng thưa ông?

- Tiến độ gói thầu CP05 đã chậm 6 tháng, không đảm bảo các mốc tiến độ quan trọng so với kế hoạch đưa ra trong lần điều chỉnh gần nhất của dự án. Cụ thể, ban đã đặt ra mốc số 4 về đặt hàng vật tư thiết bị cơ điện - MEPF, phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 15/11/2021. Mốc bàn giao cho các gói thầu cơ điện là ngày 1/6/2022; đóng điện hạ thế Depot chậm nhất vào ngày 30/6/2022. Đến nay nhà thầu đều bỏ lỡ các mốc này.

Việc chậm trễ triển khai gói thầu CP05 có nguyên nhân do đâu thưa ông?

- Gói thầu CP05 do Nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) đảm nhận. Việc chậm trễ có nguyên nhân chính do nhà thầu thiếu quyết liệt trong triển khai thi công. Mặc dù UBND TP đã có nhiều chỉ đạo, chủ đầu tư cũng đôn đốc quyết liệt, nhưng tiến độ thực hiện liên tục chậm trễ, chuyển biến không đáng kể.

Việc chậm trễ của Hancorp đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của đoạn trên cao và kéo theo sự chậm trễ kéo dài của các gói thầu cơ điện CP06, CP07, CP08 gây thiệt hại toàn diện cho dự án.

Nhà thầu Hancorp lại cho rằng gói thầu CP05 chậm trễ do phát sinh chi phí, và các nguyên nhân khác, có đúng hay không?

- Việc tăng chi phí do trượt giá theo thời gian là có, và ảnh hưởng đến toàn bộ các gói thầu của dự án chứ không chỉ riêng CP05. Từ năm 2017, sau khi có sự điều chỉnh, xác định tách dự án thành hai giai đoạn, đưa vào vận hành trước đoạn trên cao, Chủ đầu tư và các nhà thầu khác đã rất nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ dự án. Nhưng Hancorp lại chưa cho thấy những nỗ lực tối đa để hoàn thành gói thầu của mình. Các nhà tài trợ vốn, tư vấn cũng còn cho rằng gói thầu CP05 đang tiến triển rất chậm, nguyên nhân lớn là từ phía nhà thầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện cũng như động viên khích lệ các đơn vị vượt khó, vừa tiếp tục triển khai, vừa tháo gỡ vướng mắc, vì trách nhiệm với Nhân dân. Thiết nghĩ giờ là lúc tất cả các bên phải cùng xắn tay vào đẩy nhanh tiến độ dự án, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu.

Trong trường hợp gói thầu CP05 vẫn ì ạch, liệu có phương án nào khác để đạt mục tiêu vận hành đoạn trên cao vào cuối năm nay?

- Phải khẳng định lại một điều là không hoàn thành gói thầu CP05 - các công trình kiến trúc khu Depot thì không thể vận hành được đoạn trên cao. Việc chậm trễ của gói thầu CP05 đã được UBND TP Hà Nội cũng như Bộ Xây dựng giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, duy trì họp giao ban tiến độ tháng với lãnh đạo Hancorp để thúc đẩy tiến độ.

Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng, và lệ thuộc vào tiến độ CP05, UBND TP đã cho phép chủ đầu tư, tư vấn và các nhà thầu xây dựng chi tiết một phương án B, nhằm khắc phục tồn tại, đảm bảo mục tiêu vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rõ ràng và Hà Nội cũng đặt quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ đó.

Xin cảm ơn ông!