Mạng lưới không gian hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo:

Duy trì và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Thủ đô

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Theo Đề án “Hình thành Mạng lưới không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, trong giai đoạn 2022-2025, mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 không gian cấp TP; 20 không gian cấp cơ sở.

Thành đoàn Hà Nội tổ chức ra mắt Mạng lưới Câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Thủ đô HUB Network, tháng 3/2022.
Thành đoàn Hà Nội tổ chức ra mắt Mạng lưới Câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Thủ đô HUB Network, tháng 3/2022.

Mạng lưới này được xác định sẽ trở thành một trụ cột của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô, là yếu tố nòng cốt để cụ thể hóa Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.

Hà Nội phải trở thành Trung tâm khởi nghiệp của cả nước

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 119 trường Đại học, Cao đẳng và Học viện. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các trường Đại học thực sự có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như: Đại học Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), Đại học Quốc gia Hà Nội (Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp). Song, kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất của các tổ chức này vẫn còn hạn chế, chưa có không gian để thiết kế, thử nghiệm nên chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có khoảng 26 tổ chức là các vườn ươm DN, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, tuy nhiên chỉ có một số ít đơn vị thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo bài bản như: Vườn ươm DN CNTT đổi mới sáng tạo thuộc Sở TT-TT; Vườn ươm tư nhân Wecreate Vietnam; Việt Nam Silicon Valley; Up-com… Các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên địa bàn Hà Nội còn hoạt động riêng lẻ, chưa liên kết tương hỗ để trở thành mạng lưới. Tình trạng nhiều nhà đầu tư cảm thấy lạc lối trong thị trường Việt Nam hay những DN có tiềm năng nhưng không nhận được trợ giúp là không hiếm gặp…

Để xây dựng được một “Hệ sinh thái” khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trước hết cần bắt đầu từ những điểm chốt trong mạng lưới tại những thành phố lớn trên cả nước. Mỗi khu vực trọng điểm cần phải gây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có khả năng tự điều phối và vận động tài nguyên tại địa bàn mình để phục vụ công cuộc hỗ trợ khởi nghiệp.

Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều các yếu tố để trở thành Trung tâm khởi nghiệp của cả nước khi tại đây có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề phát triển mạnh; có vị thế hàng đầu trong cả nước và uy tín quốc tế, vì thế phải tiên phong trong vấn đề này.

Thành đoàn Hà Nội với 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 110 cơ sở Đoàn trực thuộc với hơn 700 nghìn đoàn viên; Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội có 30 tổ chức Hội trực thuộc và 15 CLB, Hội trực thuộc với hơn 918 nghìn hội viên. Đặc biệt có Hội Doanh nghiệp trẻ với hơn 300 thành viên là CEO của các CLB trẻ và các DN kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội có 42 cơ sở Hội trực thuộc, với khoảng 380 nghìn hội viên. Có thể nói, những nguồn lực đến từ Đoàn Thanh niên sẽ là một trong những trụ cột để duy trì hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.

Đặt mục tiêu thu hút 5.000-6.000 thanh niên tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Đề án trên của UBND TP Hà Nội hướng tới hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên; thanh niên đô thị, nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng nhãn hiệu, logistics; hỗ trợ doanh nhân trẻ chuẩn bị đăng ký kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và mở rộng sản xuất.

Đề án của TP đặt ra mục tiêu đến năm 2025, TP sẽ hình thành mạng lưới các Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; kết nối với các không gian trong và ngoài nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia; trở thành địa chỉ uy tín về ươm tạo, hỗ trợ, kết nối cho các ý tưởng sáng tạo, DN khởi nghiệp của thanh niên.

Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô cấp TP; hình thành và vận hành 20 không gian cấp cơ sở. Đáng chú ý, TP sẽ sửa chữa, cải tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất để đảm bảo đưa vào sử dụng 4 không gian dựa trên các trụ sở có sẵn có trong thiết chế văn hóa cho thanh niên, gồm: Cung Thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên TP, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội, tòa nhà D12 Giảng Võ. Đối với các không gian cấp TP và cơ sở sẽ có nhiệm vụ cụ thể, trong đó, chủ yếu là xây dựng năng lực cho thanh niên – thành phần cốt yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong cộng đồng.

Mạng lưới thu hút 5.000-6.000 thành viên là thanh niên, sinh viên tham gia hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phấn đấu đến hết năm 2025, mạng lưới sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 1.500 dự án khởi nghiệp, trong đó 300 DN khởi nghiệp sáng tạo được thương mại hóa sản phẩm, ít nhất 100 dự án gọi được vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đề án còn hướng tới hằng năm, không gian sẽ hỗ trợ kết nối, ký thỏa thuận hợp tác ghi nhớ với tối thiểu 10 tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam; hằng năm đào tạo, nâng cao kỹ năng, cung cấp 50-100 nhân sự cho không gian tại cơ sở.

Với những mục tiêu cụ thể trên, UBND TP Hà Nội giao Thành đoàn Hà Nội là đơn vị chủ trì triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án. Các đơn vị của TP cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tốt các nội dung của Đề án và tạo nền tảng, có tính kế thừa cho việc tiếp tục phát triển ở các giai đoạn sau. Phát huy vai trò trung tâm trong quản lý và vận hành mạng lưới không gian của sinh viên, thanh niên. Đặc biệt, cần chú trọng tính sáng tạo, tiên phong, đột phá và kết nối của thanh niên, sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam trong nước và quốc tế để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án.