Hãng tin Tass đưa tin, trong một tuyên bố đưa ra hôm 15/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Hôm nay, chúng tôi đề xuất thắt chặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU) đối với Điện Kremlin nhằm thực thi lệnh trừng phạt chống Nga hiệu quả hơn và kéo dài các gói trừng phạt hiện tại đến tháng 1/2023”.
"Gói trừng phạt mới sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu mới đối với vàng của Nga, đồng thời củng cố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ củng cố sự phối hợp giữa các lệnh trừng phạt của EU với đối tác G7. Gói trừng phạt mới cũng tăng cường thắt chặt việc đóng băng tài sản Nga" - tuyên bố của bà Ursula von der Leyen nêu rõ.
Theo Chủ tịch EC, lệnh trừng phạt của EU không "nhằm vào hoạt động thương mại nông sản giữa các nước thứ ba và Nga", đồng thời EC cũng đề xuất để gia hạn các lệnh trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga thêm 6 tháng. Theo đó, lần xem xét tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 1/2023.
Sau khi EC công bố đề xuất, gói các biện pháp trừng phạt mới của EU sẽ được Hội đồng châu Âu họp thông qua. Dự kiến cuộc họp của Hội đồng châu Âu sẽ diễn ra vào cuối tháng 7.
Nhập khẩu vàng của Nga đã bị Mỹ, Anh, Nhật Bản và Canada cấm. Quyết định này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức vào tháng trước. Xuất khẩu vàng của Nga ước tính trị giá khoảng 15 tỷ USD vào năm 2021, lệnh cấm được giới phân tích đánh giá chủ yếu mang tính biểu tượng, vì “đòn” trừng phạt của phương Tây vốn đã đóng cửa các thị trường châu Âu và Mỹ đối với vàng của Nga.
Đến nay, EU áp đặt 6 gói trừng phạt đối với Nga. Gói trừng phạt thứ 6 bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu than và dầu của Nga, nhưng loại trừ Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - những nước nhận dầu từ Nga qua đường ống.
Giá trị của đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm kể từ khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga. Ngày 12/7, đồng euro đã giảm xuống mức gần bằng với đồng USD.
Trong khi đó, đồng rúp của Nga mạnh hơn so với trước khi nước này triển khai chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng Ukraine. Lợi nhuận xuất khẩu năng lượng của Nga tăng vọt, thặng dư tài khoản vãng lai của Moscow tăng lên mức kỷ lục 70,1 tỷ USD.
Trước đó cùng ngày, Hungary, quốc gia thành viên EU, thừa nhận khối này đã "tự làm hại mình" bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế được coi là thiếu nghiêm túc đối với Nga và có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.
Theo hãng tin Reuters, trả lời phỏng vấn đài phát thanh quốc gia hôm 15/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói rằng các lệnh trừng phạt chống Nga của EU, bao gồm với mặt hàng dầu mỏ của Moscow, đã gây ra tác dụng ngược khi chúng còn gây thiệt hại cho châu Âu nặng nề hơn cho Moscow.