Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU, Anh vẫn nhập kỷ lục dầu mỏ Nga dù áp lệnh cấm vận chống Moscow

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã nhập khẩu khoảng 16 triệu thùng dầu diesel từ ngày 1-10/12, trong đó dầu diesel Nga chiếm gần một nửa.

Lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu mỏ của Nga, bao gồm cả dầu diesel của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2/2023. Ảnh: Reuters
Lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu mỏ của Nga, bao gồm cả dầu diesel của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2/2023. Ảnh: Reuters

Trong 9 tháng qua, Brussels và London đã áp đặt một loạt hạn chế đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và đẩy các nền kinh tế trong khu vực đối mặt nguy cơ suy thoái. Tuần trước, EU, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới và Australia đã nhất trí áp mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Moscow tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả chính sách áp giá trần dầu mỏ của phương Tây.

Theo truyền thông Nga, EU và Anh đã nhập khẩu một lượng lớn dầu diesel của Nga trong đầu tháng này nhằm tìm cách tích trữ nhiên liệu trước khi lệnh cấm mới có hiệu lực vào tháng 2/2023.

Đài Sputnik dẫn phân tích dữ liệu theo dõi hàng hóa năng lượng trên biển của phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, tính từ ngày 1-10/12, EU và Anh đã nhập khẩu lượng dầu diesel khoảng 16 triệu thùng. Lượng dầu mỏ nhập khẩu này gần đạt kỷ lục được thiết lập vào đầu năm 2016.

Dầu diesel của Nga chiếm gần một nửa trong số đó. Cụ thể, Moscow đã xuất khẩu trung bình 749.300 thùng/ngày trong tổng số 1,6 triệu thùng/ngày cho Anh và các nước EU. Trong khi đó, Ả Rập Saudi, Ấn Độ, Mỹ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nằm trong top 5  khi lần lượt nhập khẩu 298.300, 156.400, 60.800 và 28.000 thùng/ngày từ Nga.

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh các thị trường năng lượng toàn cầu sắp đối mặt cú sốc giá “vàng đen” mới vào đầu năm tới. Theo kế hoạch, EU sẽ cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm dầu mỏ của Nga, bao gồm cả dầu diesel. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/2/2023.

Lệnh cấm vận với dầu mỏ Nga là một trong hàng loạt biện pháp trừng phạt của EU liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại nước láng giềng Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng biện pháp này đang gây “tác dụng ngược” với phương Tây, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời đe dọa đẩy nền kinh tế thế giới tiến sát cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm 2023.

Trong khi đó, Nga đã chuyển hướng nguồn cung năng lượng từng cung cấp cho phương Tây sang các thị trường ở Nam bán cầu - đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Chính quyền Moscow cũng đã giảm mạnh giá dầu bán  cho các quốc gia này.

Nhờ giá dầu thế giới duy trì ở mức cao hơn so với năm ngoái, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga đã đạt được kết quả khả quan. Giới chuyên gia ước tính Nga dự kiến sẽ thu được 337,5 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng vào năm 2022, cao hơn 38% so với năm 2021.

Trong khi đó, dữ liệu xuất khẩu dầu diesel tháng 12 cho thấy xuất khẩu dầu diesel của Nga sang châu Âu vẫn tăng đều đặn kể từ tháng 9, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3, khi doanh số bán hàng đạt trung bình 766.100 thùng/ngày. Dữ liệu xuất khẩu cũng cho thấy EU và Anh tiếp tục chiếm hơn một nửa tổng xuất khẩu dầu diesel trên tàu của Nga, chiếm 694.300 thùng/ngày trong mức xuất khẩu trung bình 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 11.

Giá dầu thế giới đã tăng mạnh vào tuần trước khi nhóm G7 đồng ý áp giá trần dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng. Tổng thống Vladimir Putin vào tuần trước khẳng định chính sách áp trần giá của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến Nga và Moscoww sẽ không chịu tổn thất dù bất kể điều gì xảy ra.

Hôm 13/12, truyền thông Nga đưa tin Moscow đang dự thảo nghị định cấm xuất khẩu dầu sang các quốc gia tìm cách mua dầu của nước này theo cơ chế giá trần. Sắc lệnh được cho là đang trong giai đoạn hoàn thiện. Điện Kremlin cho biết bản dự thảo sắc lệnh sẽ được công bố trong những ngày tới.