Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU bất đồng sâu sắc về gói trừng phạt thứ 12 chống Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một số quốc gia EU cảnh báo lệnh cấm tái xuất khẩu các mặt hàng quan trọng có thể khiến các doanh nghiệp trong khối gặp nhiều trở ngại.

EU  chia rẽ về đề xuất trong gói trừng phạt thứ 12 chống Nga. Ảnh: Reuters
EU  chia rẽ về đề xuất trong gói trừng phạt thứ 12 chống Nga. Ảnh: Reuters

Theo tờ Bloomberg, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm nhẹ các đề xuất của Ủy ban châu Âu nhằm ngăn các biện pháp trừng phát chống Nga bị các nước thứ ba lách luật.

Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã đề xuất cắt giảm xuất khẩu sang các quốc gia hiện có thể tái xuất khẩu hàng hóa từ EU sang Nga, do đó giúp Moscow “né” các lệnh cấm vận do Brussels áp đặt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Biện pháp này có thể nằm trong gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga, nhằm mục đích ngăn chặn việc bán những mặt hàng mà EC coi là các mặt hàng được ưu tiên cao, như chất bán dẫn có thể được sử dụng trong sản xuất vũ khí. 

Theo nguồn tin tiết lộ với Bloomberg, EC sẽ bắt buộc người mua phải gửi một khoản tiền vào tài khoản ký quỹ để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu.

Bloomberg cho biết, ít nhất một nửa số tiền ký gửi sẽ được chuyển vào quỹ ủy thác của Ukraine, trong khi các hợp đồng mua bán sẽ bị chấm dứt nếu vi phạm lệnh trừng phạt của EU.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao từ một số quốc gia lớn trong EU đã bày tỏ lo ngại về các biện pháp này khi hoài nghi về tính hợp pháp của chúng, đặt câu hỏi rằng liệu việc yêu cầu đảm bảo và các điều khoản từ nhà nhập khẩu có khả thi hay không.

Cũng theo nguồn tin của báo Mỹ, các nước EU cũng đang nỗ lực thu hẹp phạm vi của các điều khoản được đề xuất và danh sách các mặt hàng bị áp đặt các biện pháp hạn chế mà theo họ, có thể khiến các doanh nghiệp trong khối gặp bất lợi trong cạnh tranh.

Hiện mới chỉ có một số quốc gia thành viên, bao gồm các nước vùng Baltic, ủng hộ các đề xuất trong gói trừng phạt mới đối với Nga.

Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU đang tìm cách tăng cường hiệu quả các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Cả EU và Mỹ từ lâu mong muốn hạn chế khả năng của Nga trong việc mua các loại hàng hóa lưỡng dụng cho ngành quân sự nằm trong danh sách trừng phạt thông qua nước thứ ba.

Bloomberg cho biết, hơn 80% lượng mua "các mặt hàng ưu tiên cao" của Nga đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo hãng tin này, xuất khẩu từ các quốc gia như Kazakhstan, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Azerbaijan và Uzbekistan sang Nga đã giảm trong những tháng gần đây, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước khi bùng phát chiến sự tại Ukraine.

Slovakia phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga. Ảnh: RT
Slovakia phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga. Ảnh: RT

Trong khi đó, Slovakia mới đây đã bác bỏ đề xuất của Brussels về việc bổ sung nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân vào gói trừng phạt sắp tới nhằm vào Nga.

Theo RT, Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar hôm 18/11 cho biết, Chính phủ Slovakia sẽ không ủng hộ các biện pháp hạn chế đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ 12 của EU đối với Moscow hiện đang được các nước thành viên thảo luận.

Ngoại trưởng Blanar khẳng định, chính quyền Bratislava sẽ không ngăn chặn gói trừng phạt mới đối với Moscow, với điều kiện lệnh cấm nhiên liệu hạt nhân được dỡ bỏ.

Đồng thời, Ngoại trưởng Slovakia cũng đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả của toàn bộ chính sách gây sức ép kinh tế chống Moscow mà EU theo đuổi kể từ khi bùng phát xung đột Nga - Ukraine hồi tháng 2/2022.

Brussels cho đến nay đã áp đặt 11 đợt trừng phạt đối với Nga để đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở nước láng giềng Ukraine.

EU hiện đang xem xét một loạt biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, dự kiến nhắm vào 120 cá nhân và tổ chức. Các đề xuất được cho là bao gồm những biện pháp cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn thu thương mại của Moscow bằng cách áp đặt lệnh cấm vận với kim cương và đồ trang sức của Nga.

Gói trừng phạt thứ 12 này dự kiến đưa ra các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu sang Nga, bao gồm lệnh cấm bán một số hóa chất, pin lithium, bộ điều nhiệt và động cơ cho máy bay không người lái, cũng như máy công cụ và các bộ phận máy móc có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí.