Tờ Wall Street Journal mới đây trích dẫn tính toán của công ty dữ liệu hàng hóa Argus Media đưa tin, giá một thùng dầu thô vùng Urals của Nga trong những ngày gần đây vượt quá mức trần 60 USD mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt từ tháng 12 năm ngoái.
Theo tờ báo, Nga "đã ghi nhận một chiến thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu", khi Moscow đã "thành công, ít nhất là một phần, trong việc điều chỉnh các hạn chế".
"Giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga, vốn đã giảm xuống chỉ bằng một nửa so với một năm trước vào tháng trước" - báo Mỹ bình luận - "Mức trần, lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga ở châu Âu và sự sụt giảm xuất khẩu gần đây đã làm giảm khoản thu thuế của Nga từ năng lượng trong năm nay, gây tổn hại cho ngân sách của Moscow".
Áp lực đối với Nga đã giảm bớt, được tin là nhờ "mức chiết khấu đối với Urals, so với dầu Brent chuẩn, đã thu hẹp xuống còn 20 USD/thùng". "Khoảng cách vẫn còn lớn hơn nhiều so với trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra" - Wall Street Journal cho biết thêm.
Đáng nói, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) dường như không còn muốn điều chỉnh mức trần giá G7 đã áp dụng với xuất khẩu dầu của Moscow vào lúc này.
Ba Lan và các nước láng giềng nhỏ hơn ở vùng Baltic trước đây đã có lập trường diều hâu nhất trong việc cố gắng sử dụng mức trần giá để hạn chế doanh thu dầu mỏ của Nga, nhưng gần đây họ đã từ bỏ lời kêu gọi hạ giá.
Tương tự, không có bất kỳ lời kêu gọi nào giữa các nhà nhập khẩu dầu lớn của EU rằng có thể cần phải tăng trần để giữ cho dầu của Nga không tiếp tục chảy vào thị trường toàn cầu, mặc dù giá dầu Brent chuẩn đã vượt qua mức 80 USD/thùng.
Chính thức, luật giới hạn giá của EU quy định rằng mức giá "phải được xem xét hai tháng một lần" và nên được đặt "thấp hơn 5% so với giá thị trường" đối với dầu của Nga.
Như ngầm giải thích, một nhà ngoại giao vùng Baltic giấu tên nói với Energy Intelligence: "Chúng tôi luôn muốn mức trần càng thấp càng tốt, để không cho phép lấp đầy ngân sách chiến tranh của Nga... Nhưng đây phải là một cách tiếp cận thống nhất - từ cả EU và G7".
Một phân tích của Energy Intelligence đã ước tính, việc vi phạm giới hạn giá sẽ "mở đường" cho khoảng 20% lượng dầu xuất khẩu của Nga từ các cảng Biển Đen và Biển Baltic, được vận chuyển bởi các tàu chở dầu thuộc sở hữu của các công ty phương Tây hoặc sử dụng bảo hiểm phương Tây.
Phân tích cũng cho thấy, trong khi doanh thu của Chính phủ Nga đã giảm mạnh kể từ năm ngoái, thì đây là kết quả của việc giá chuẩn thấp hơn và lệnh cấm mua dầu Nga của EU, hơn là do giá trần. Các nghiên cứu độc lập khác cũng đã đi đến kết luận tương tự.
Thời gian tới được cho có thể là thử nghiệm thực sự đầu tiên về việc liệu mức trần có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu và khối lượng xuất khẩu của Nga hay không.
Một nhà ngoại giao khác của EU thừa nhận rằng giá dầu thô của Nga cuối cùng được thiết lập bởi những gì khách hàng lớn nhất của nước này - Trung Quốc và Ấn Độ - sẵn sàng trả, chứ không phải bởi mức trần "trên danh nghĩa" do phương Tây đặt ra.
Hai quốc gia châu Á này - hiện đều nhập khẩu hơn 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Nga - đã mua dầu Urals với mức chiết khấu sâu từ rất lâu trước lệnh cấm nhập khẩu của EU và mức trần giá G7 kèm theo. Nửa năm sau khi các biện pháp của phương Tây đó có hiệu lực, hầu hết hàng xuất khẩu của Nga hiện được xử lý bởi một "đội tàu ngầm" gồm các tàu chở dầu không thuộc G7.
Dường như ngày càng có nhiều khả năng giới hạn giá sẽ bị đóng băng, khi mà mức hiện tại của nó sẽ không thay đổi, ít nhất là vào lúc này. Energy Intelligence dẫn một nguồn thạo tin nói rằng Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của EU - dường như đang tránh những nỗ lực lấy lệ trong việc xem xét lại mức giá trần.
"Ủy ban thậm chí còn không giả vờ thực hiện những đánh giá đó" - nguồn tin giấu tên cho biết.