Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU chưa tìm được tiếng nói chung về phương án áp giá trần khí đốt

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo các nước EU vẫn bất đồng về việc áp giá trần với khí đốt nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây ảnh hưởng nặng nề tới người dân và doanh nghiệp châu Âu.

Các nước EU vấn bất đồng về phương án áp giá trần khí đốt. Ảnh: Reuters
Các nước EU vấn bất đồng về phương án áp giá trần khí đốt. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/10 ở Praha (Cộng hòa Czech), lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.

Áp giá trần khí đốt là một trong những đề xuất của các quốc gia châu Âu nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng trong bối cảnh dòng chảy khí đốt từ Nga đang giảm mạnh. Giá khí đốt tại châu Âu hiện đã giảm nhẹ, song vẫn tăng hơn 200% so với đầu tháng 9/2021.

Phần lớn các nước thành viên muốn áp biện pháp giới hạn giá khí đốt, nhưng chưa nhất trí về các bước thực hiện cụ thể, như việc áp đặt giá trần với tất cả khí đốt nhập khẩu hoặc chỉ với khí đốt của Nga, hay chỉ áp đặt với khí đốt phục vụ sản xuất điện.

"Các nước thành viên nhất trí rằng cần phải giảm giá điện, nhưng vẫn chưa thống nhất được biện pháp để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại" - Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh ổn định giá khí đốt và ngăn chặn đầu cơ khí đốt là nhiệm vụ quan trọng.

Theo bà Ursula von der Leyen, các nước EU cần thực hiện hợp đồng mua khí đốt chung. "Vào cuối mùa đông - thời điểm các kho dự trữ khí đốt của EU cạn kiệt, điều quan trọng nhất là các nước thành viên phải thực hiện hợp đồng mua khí đốt chung để tránh bị ép giá” - Chủ tịch EU cho hay.

Trong nhiều tuần qua, EU đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt gồm: giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga.

Đức và Đan Mạch phản đối đề xuất áp giá trần với khí đốt Nga khi cho rằng việc này có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moscow dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU.

Hiện tại, một sự đột phá về giới hạn giá được thống nhất giữa các quốc gia là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng kỳ vọng những đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh chính thức của khối vào ngày 20-21/10 tới.