G7 và EU hồi tháng 6/2024 tuyên bố sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 50 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, được chi trả bằng lợi nhuận từ tài sản của Nga bị đóng băng ở phương Tây. Những tài sản này đã bị đóng băng ngay sau khi Nga và Ukraine bắt đầu xung đột vào tháng 2/2022.
Hơn 75% số tài sản này, khoảng 220 tỷ USD, lưu giữ tại EU với phần lớn được trữ tại công ty thanh toán Euroclear của Bỉ. Với thỏa thuận đạt được hôm 9/10, EU có thể dựa vào dự trữ ngân sách của mình làm bảo đảm trong trường hợp các hạn chế đối với tài sản bị dỡ bỏ.
Tất cả các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow phải được gia hạn mỗi 6 tháng thông qua một cuộc bỏ phiếu đồng thuận của EU. Tuy nhiên, Hungary, đã nhiều lần cố gắng ngăn chặn các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ Ukraine, và có thể cản trở việc gia hạn.
Hungary, quốc gia hiện đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng không muốn thảo luận về bất kỳ khả năng gia hạn nào cho chế độ giữ tài sản trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11 tới.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất kéo dài thời gian gia hạn từ sáu tháng lên 36 tháng, nhưng Hungary đã không nêu đề xuất này trong các cuộc thảo luận của đại sứ EU, theo các nhà ngoại giao EU.
Đề xuất cho khoản vay của Ủy ban cũng cần được Nghị viện châu Âu phê duyệt do liên quan đến ngân sách của khối. Các nhà lập pháp EU dự kiến sẽ bỏ phiếu về gói này vào ngày 22/10, theo nguồn tin ngoại giao.
Thỏa thuận này đã bỏ qua việc Hungary từ chối gia hạn thời gian giữ tài sản bị đóng băng. Tuy nhiên, nó không đủ để khiến Mỹ hài lòng. Chính phủ Mỹ chỉ đồng ý đóng góp khoảng 20 tỷ USD trong trường hợp tài sản của Nga chắc chắn bị đóng băng trong thời gian dài.