Theo nguồn tin trên, bản dự thảo mới của Ủy ban châu Âu (EC) về các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoàng năng lượng sẽ không bao gồm việc áp giá trần với khí đốt của Nga cũng như nguồn khí đốt nhập khẩu từ các nước khác.
Theo kế hoạch, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen sẽ công bố bản dự thảo này trong cuộc họp thường niên của Liên minh châu Âu (EU) trong ngày hôm nay (14/9).
Theo The Guardian, EC phải thay đổi kế hoạch áp biện pháp giới hạn giá với khí đốt Nga do nhiều nước thành viên EU không thống nhất được vấn đề này tại cuộc họp khẩn cấp về năng lượng hồi tuần trước.
Trước đó, tại cuộc họp bất thường của các bộ trưởng năng lượng EU hôm 9/9 ở Brussels, EC đã đề xuất một loạt giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao, bao gồm việc áp đặt mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác. EC dự định sẽ áp đặt giới hạn giá khí đốt của Nga ở mức 520 euro/1.000 mét khối. Bên cạnh đó, EC yêu cầu các nước thành viên EU giảm 10% lượng điện tiêu thụ so với mức trung bình hàng tháng trong 5 năm gần đây và giảm thêm 5% lượng điện tiêu thụ vào giờ cao điểm.
EC cũng đề xuất thiết lập giới hạn giá đối với điện sản xuất tại các doanh nghiệp có chi phí năng lượng thấp hơn so với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt, gồm điện hạt nhân, thủy điện, điện gió, cũng như trợ cấp giá điện cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp dễ bị tổn thương.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 7/9, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, để giảm áp lực kinh tế trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt, EU sẽ áp giá trần đối với khí đốt xuất khẩu của Nga. Theo Chủ tịch EC, ngoài áp giá trần đối với khí đốt Nga, EU cũng có kế hoạch siết chặt tiết kiệm năng lượng, bao gồm bắt buộc cắt giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm và điều chỉnh lại chính sách giá điện.
Hôm 5/9, Pháp trở thành nước đầu tiên ủng hộ kế hoạch của ban lãnh đạo EU. Ba Lan cho biết cũng muốn có một mức trần giá khí đốt và mở rộng biện pháp này với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU vốn nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga, bao gồm Đức, Hungary, Slovakia và Áo, đều phản đối ý tưởng của Brussels.
Theo tờ Politico,Berlin tỏ ra miễn cưỡng với đề xuất áp giá trần khí đốt Nga. Chính phủ Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moscow dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống phía nam TurkStream
Trong khi đó, Hà Lan và Đan Mạch cũng không ủng hộ việc áp giá trần với khí đốt Nga, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng điều này sẽ khiến Moscow có thể cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng sang châu Âu và đẩy giá mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh.