EU thức tỉnh

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng các nước thành viên EU vừa thông qua chiến lược an ninh mới với tên gọi được tạm dịch là La bàn chiến lược hoặc Kim chỉ nam chiến lược.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)  
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)  

Nội dung cốt lõi nhất là thành lập lực lượng quân đội phản ứng nhanh khoảng 5.000 người, trang bị đầy đủ các loại vũ khí và thiết bị quân sự cần thiết để có thể tham chiến nhanh nhất ở bất cứ đâu trong phạm vi lãnh thổ các nước thành viên EU.

Thực chất, động thái này của EU nhằm đồng thời hai mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường năng lực quân sự để tự chủ về an ninh, tức là để có thể tự đảm bảo được an ninh, đồng hành chứ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào NATO. Thứ hai là gây dựng vai trò và ảnh hưởng về chính trị và an ninh ở châu Âu, tức là để có chân và có phần trong những cuộc chơi tới đây.

Ý tưởng này đã được EU khởi xướng từ năm 2007 nhưng rồi không được kiên định triển khai thực hiện. Trong thời gian vừa qua, có hai sự kiện lớn buộc EU phải thức tỉnh trong nhận thức và dồn chân trong hành động. Thứ nhất là việc Mỹ quyết định rút quân ra khỏi Afghanistan mà trước đấy không thông báo hay tham vấn các đồng minh trong NATO khi mà 21 trong tổng số 30 thành viên NATO hiện tại là thành viên EU. EU không thể duy trì lòng tin vào Mỹ như lâu nay khi thấy Mỹ sẵn sàng đưa ra những quyết sách bất chấp mọi quan ngại và lợi ích của EU về an ninh.

Thứ hai là chiến sự hiện tại giữa Nga và Ukraine bộc lộ những hạn chế trong khả năng của NATO, những giới hạn mà Mỹ không muốn bước qua hoặc không thể bước qua cũng như những bất cập và yếu kém của EU trên phương diện chính sách đối ngoại và an ninh chung.

Sự thức tỉnh này có phần muộn mằn đối với EU nhưng thật ra chưa phải đã quá muộn bởi châu Âu sẽ còn xáo động và hỗn độn về chính trị an ninh trong thời gian tới đây.