EU tiết lộ số tiền khủng viện trợ cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine đã đạt 27 tỷ euro kể từ khi bùng phát cuộc xung đột với Nga hồi tháng 2/2022, con số cao kỷ lục trong lịch sử khối này.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell. Ảnh: AFP
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell. Ảnh: AFP

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, EU đã phê duyệt ít nhất 27 tỷ euro viện trợ quân sự trực tiếp cho Kiev kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Theo ông Borrell, đây là mức viện trợ quân sự cao nhất trong lịch sử của khối này.

Phát biểu với báo giới tại Bỉ hôm 13/11, ông Borrell cam kết các nước EU sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine để đối phó Nga. Quan chức EU nhấn mạnh: “EU sẽ đẩy mạnh viện trợ tài chính và quân sự, cũng như hỗ trợ huấn luyện binh sĩ cho Kiev”.

Theo đài RT, các nước thành viên EU đang chạy đua để đáp ứng cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Kiev trong năm tới.

Hồi tháng 3 năm nay, khối này đã hứa sẽ gửi thêm cho Ukraine khoảng 1 triệu quả đạn pháo trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, theo các nguồn tin Bloomberg, mặc dù đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng EU đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu khi chỉ mới giao được 30% theo dự kiến để thực hiện kế hoạch.

Trong bài phát biểu với báo chí, ông Borrell cũng thừa nhận rằng EU có thể sẽ “không thực hiện được cam kết cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong năm 2024".

Trong tuần này, các bộ trưởng quốc phòng EU sẽ có cuộc họp tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về kế hoạch hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Các nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng, kế hoạch chi tiếp 20 tỷ euro (21,4 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine của EU dường như đang vấp phải sự phản đối từ một số thành viên và khó có thể được thông qua.

Một số nước EU vẫn chưa đồng tình với ý tưởng này do chưa sẵn sàng cam kết mức đóng góp của họ cho kế hoạch này. Ngay cả Đức cũng nằm trong số những quốc gia bày tỏ sự dè dặt về thành công của gói viện trợ này.

Bên cạnh đó, một số nước EU gần đây cũng thông báo không tiếp tục hỗ trợ các gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

Chính phủ Slovakia đã công khai tuyên bố chấm dứt viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Trong khi đó, Pháp cuối tuần trước cho biết sẽ ngừng cung cấp miễn phí vũ khí cho Ukraine. Thay vào đó, Kiev sẽ phải mua trực tiếp từ các nhà sản xuất của Pháp.

Theo Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sebastien Lecornu, viện trợ quân sự của Pháp cho Ukraine cho đến nay đã đạt 3,2 tỷ euro (3,4 tỷ USD). Số tiền này đã đưa Pháp trở thành một trong những nước châu Âu hàng đầu ủng hộ quân đội Ukraine, cùng với Đức và Anh.

Bộ trưởng Lecornu cho biết thêm, Paris cũng cam kết bổ sung thêm 200 triệu euro (213 triệu USD) cho quỹ hỗ trợ của Kiev để đảm bảo quân đội Ukraine tiếp tục tiếp cận các thiết bị quân sự của Pháp. Kiev có thể chi tiền từ quỹ này để mua vũ khí, nhưng chỉ từ các nhà thầu Pháp.

Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, ông Borrell đã đề xuất thành lập một quỹ trị giá 20 tỷ euro để hỗ trợ quân đội Ukraine trong 4 năm tới. Quỹ này dự kiến sẽ hỗ trợ để Ukraine mua đạn dược, tên lửa và xe tăng, đồng thời giúp chi trả cho việc huấn luyện binh lính Kiev.

Trong những tháng gần đây, truyền thông đưa tin cả Mỹ và EU đang gặp khó khăn trong việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí rất cần thiết trong bối cảnh nước này phản công trước Nga không có kết quả.

Trong khi đó, gần đây gia tăng lo ngại rằng Ukraine có thể nhận được ít viện trợ hơn từ các nước phương Tây khi xung đột Israel - Hamas bùng phát.

Bất chấp sự viện trợ của phương Tây, cuộc phản công mùa Hè của Ukraine đã bị trì hoãn sang mùa Thu, với việc quân đội phải vật lộn để vượt qua các công sự kiên cố của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga ước tính Kiev đã mất hơn 90.000 quân, cùng với hơn 55 xe tăng và 1.900 xe bọc thép, kể từ khi cuộc tấn công bắt đầu vào tháng 6.