EU tuyên bố đủ nguồn cung thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đã thay thế hoàn toàn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt từ các nhà cung cấp đáng tin cậy.

EU tuyên bố đủ nguồn cung thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga. Ảnh: EPA
EU tuyên bố đủ nguồn cung thay thế hoàn toàn khí đốt của Nga. Ảnh: EPA

Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên do Cao ủy phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đưa ra trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu hôm 23/11. Khối này sẽ thảo luận về đề xuất áp giá trần khí đốt Nga nhằm ổn định thị trường năng lượng trong cuộc họp vào ngày 24/11.

“Đa dạng hóa, giảm nhu cầu, chính sách lưu trữ chung và kế hoạch tiết kiệm năng lượng của chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt. Nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác," bà Simson phát biểu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu hôm 23/11.

Hãng tin RIA Novosti dẫn lời các chuyên gia cho biết EU đã tăng cường nỗ mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ để thay thế khí đốt của Nga.

Theo Ủy ban châu Âu, trong 8 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong khi đó, lượng nhập khẩu LNG từ Mỹ đã tăng gần 80% so với mức hàng năm.

Trong năm 2021, Nga chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Moscow đã cung cấp 155 tỷ m3 cho liên minh này, trong khi nhập khẩu năm nay dự kiến ​​sẽ giảm xuống hơn 1/3, còn khoảng 60 tỷ m3.

Các chuyên gia nói với RIA Novosti rằng, EU thay thế đường ống dẫn khí đốt của Nga bằng việc tăng cường mua LNG từ Mỹ.

Trong tháng này, các nhà phân tích từ Công ty nghiên cứu Kpler cảnh báo việc thay thế nguồn cung khí đốt Nga bằng LNG sẽ khiến chi phí năng lượng gia tăng đáng kể với EU. Không giống như khí đốt được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn, LNG thường được mua trên thị trường giao ngay với mức giá cao hơn nhiều lần.

Trong khi đó, việc EU tăng cường mua LNG cũng đã gây khó khăn cho các nước đang phát triển, vì những quốc gia này bị buộc phải cạnh tranh về giá với các nước giàu có hơn.