EU và Ấn Độ mở rộng quan hệ

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ ngày 25/4 đã nhất trí thành lập hội đồng thương mại và công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác.

Cuộc đàm phán tại New Delhi, là một phần trong loạt các chuyến thăm của người đứng đầu Ủy ban châu Âu kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang có chuyến công du hai ngày tới thủ đô của Ấn Độ. Đây là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm khuyến khích New Delhi giảm bớt quan hệ với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn từ chối lên án chiến dịch của Nga. Từ thời Liên Xô, Nga chính là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bà Leyen khẳng định mối quan hệ EU - Ấn Độ quan trọng hơn bao giờ hết, cả hai có nhiều điểm chung nhưng lại đang phải đối mặt với bối cảnh chính trị đầy thách thức. Trong một tuyên bố chung, EU và Ấn Độ nhất trí những thay đổi nhanh chóng trong môi trường địa chính trị làm nổi bật sự cần thiết phải tham gia chiến lược hợp tác này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác định hợp tác về an ninh, biến đổi khí hậu và thương mại là các lĩnh vực trọng tâm chính. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác định hợp tác về an ninh, biến đổi khí hậu và thương mại là các lĩnh vực trọng tâm chính. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của bà Von der Leyen diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Anh Boris gặp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi và nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và kinh doanh song phương. Người đứng đầu EU dự kiến sẽ đề nghị tăng cường xuất khẩu vũ khí của châu Âu cho Ấn Độ và khởi động lại các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do, một quan chức cấp cao của EU cho biết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Arindam Bagchi, cho biết họ đã xem xét những tiến bộ trong quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-EU sôi động và đồng ý tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khí hậu, công nghệ kỹ thuật số và giao lưu văn hóa. Trước đó, Mỹ cũng kí thỏa thuận tương tự như Ấn Độ với EU.

Giống như nhiều nước châu Âu, Ấn Độ tiếp tục mua dầu từ Nga bất chấp các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow từ Mỹ và các nước phát triển khác.