EU và nỗi bất an mang tên Italia

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Italia hôm 5/12 là phần lớn người dân không ủng hộ kế hoạch cải cách của chính quyền Thủ tướng Matteo Renzi.

Điều này khiến thị trường châu Âu chao đảo với nguy cơ đảo ngược nhiều quyết sách tiền tệ.

Dự luật cải cách mà ông Renzi đưa ra nhằm xóa bỏ cơ chế nhị viện “hoàn hảo”, theo đó Thượng viện và Hạ viện có quyền lực ngang nhau, cả hai đều có quyền bãi bỏ các bộ luật, bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ và bãi miễn chính phủ, được xem là một trong những đặc trưng của nền chính trị Italia nhưng cũng bị coi là nguyên nhân gây nên tình trạng bất ổn chính trị triền miên ở quốc gia Nam Âu này.

 Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã từ chức ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu

dân ý hôm 5/12.

Với việc ông Matteo Renzi thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua và quyết định từ chức ngay sau đó, Chủ tịch Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) sẽ phải xem xét chương trình bơm tiền kích thích kinh tế (QE) trước thềm cuộc họp ngày 8/12 tới.

ECB thấp thỏm

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã góp phần gây náo loạn thị trường, giảm viễn cảnh tăng trưởng và khiến các nhà chính sách tiền tệ châu Âu bối rối. Giá trị trái phiếu chính phủ Italia đã giảm mạnh, cùng với giá đồng tiền chung châu Âu (Euro) lao dốc xuống mức thấp nhất trong 2 năm, ở mức 1,0651 USD/Euro.

Trước cuộc trưng cầu, khảo sát Bloomberg dự đoán, Chủ tịch ECB Draghi sẽ tuyên bố kéo dài chương trình QE, quy mô 80 tỷ Euro/tháng vào ngày 8/12. Tốc độ giải ngân gói bơm tiền duy trì như hiện nay và hỗ trợ Liên minh châu Âu (EU) nhích gần hơn tới mục tiêu lạm phát 2%. Kết quả cuộc trưng cầu tại Italia giờ đe dọa viễn cảnh đó. Nếu tăng trưởng Italia còn giảm sâu hơn sau sự kiện này, sẽ góp phần kéo lùi đà tiến của các nền kinh tế châu Âu. Dự đoán viễn cảnh tăng trưởng của EU cũng sẽ được đưa ra vào hội nghị chính sách ngày 8/12 tới; được cho là “kim chỉ nam” mới của EU để ra quyết sách cuối cùng về gói QE. Tuy nhiên, cơn sốc do nền kinh tế Italia không quá lớn, bởi mức tăng trưởng của nước này vốn không đáng kể và GDP đầu người chưa từng cao hơn so với thời điểm trước khi gia nhập EU. Theo Cơ quan thống kê Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 của EU sẽ tăng trưởng 0,8% trong năm nay.

Bóng đen nợ công đè nặng

Từ sau việc Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit) thì vai trò của Thủ tướng Renzi, với tư cách là nhà lãnh đạo nền kinh tế thứ 3 của EU được nâng cao. Việc ông tuyên bố từ chức khiến thế kiềng 3 chân Italia – Đức – Pháp tại châu Âu bị lung lay. Hậu cuộc trưng cầu, Italia sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm, chứng kiến Phong trào Năm Sao (Five Stars Movement) trỗi dậy mạnh mẽ. Nhóm dân túy này muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Italia có nên tiếp tục ở lại trong EU, đe dọa lặp lại kịch bản Brexit. Với chủ trương cải cách mạnh mẽ suốt 2 năm cầm quyền, thất bại của ông Renzi cũng gây xói mòn niềm tin đối với nền kinh tế Italia, vốn đã ít ỏi giờ lại càng suy kiệt. 

Nguy cơ Italia sẽ dấn sâu hơn vào vòng xoáy nợ nần. Sau Hy Lạp, Italia là “chúa chổm” thứ 2 của Eurozone với món nợ xấu trị giá 360 tỷ Euro và đánh giá tín nhiệm thấp khiến dòng tiền tháo chạy trong năm qua. Có thể nói sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 5/12, ECB nói riêng và EU nói chung lại tiếp tục phải chịu thêm gánh nặng từ một "mắt xích yếu”. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần