EVFTA mở ra cơ hội xen lẫn thách thức với doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (VINASME) Nguyễn Văn Thân cho rằng: EVFTA đem lại cơ hội rất nhiều, song thách thức cũng không phải ít và cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân đưa ra các nội dung liên quan tại Hội nghị trực tuyến: “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA”.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
Cơ hội và thách thức
Ngay ngày đầu tiên sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU sẽ ngay lập tức miễn thuế nhập khẩu đối với 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu đối với 99,2% dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với một số ít mặt hàng còn lại, EU cam kết sẽ dành cho Việt Nam thuế suất nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua thị trường EU sẽ được miễn thuế sau lộ trình ngắn là 7 năm.
“Các cam kết trong EVFTA sẽ là động lực để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. Có thể thấy, các cam kết cắt giảm thuế quan và thuận lợi hóa thương mại trong EVFTA sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy FDI đầu tư vào thị trường Việt Nam” - Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, EVFTA là cơ hội vàng để Việt Nam tạo một cú hích lịch sử, xóa bỏ sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường truyền thống vốn đang bị đứt gãy do dịch Covid-19, tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững và đa dạng hóa thị trường đối tác cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu,.
Ngoài ra, cơ hội nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong khối ASEAN khi các nước đang chạy đua quyết liệt để tìm chỗ đứng tại thị trường châu Âu, nhưng cho đến nay mới chỉ có Singapore và Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với khối kinh tế này. Quan trọng là cả 2 nước đều xuất khẩu những mặt hàng khác nhau qua châu Âu, nên lợi thế dành cho ta là rất lớn.
EU là một thị trường rất lớn, bao gồm 27 quốc gia với dân số khoảng gần 500 triệu người, thu nhập bình quân rất cao (36.000 USD/người); có một nền tảng vững chắc về thể chế, chính sách và pháp luật – một thị trường rất khó tính, đòi hỏi phải có: Một tâm thế “đổi mới, cầu thị, hợp tác và thành công”.
Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật: An toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ và các quy định về tỷ lệ nội địa hóa… Thách thức về sức ép cạnh tranh với hàng hóa của EU, nghĩa khi Việt Nam mở cửa, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chấp nhận một cuộc chơi sòng phẳng ngay trên sân nhà.
Thách thức trước các biện pháp phòng vệ thương mại khi hàng rào thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ doanh nghiệp, thì các nước nhập khẩu thường có xu hướng áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc các biện pháp tự vệ để bảo toàn lực lượng sản xuất trong nước. EU cũng không nằm ngoài xu hướng đó, cho nên đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thách thức từ cạnh tranh nguồn lao động với một làn sóng dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam, dẫn đến các ngành nghề và doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt để thu hút nguồn lực lao động, nhất là lao động chất lượng cao, vậy nên sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại thị trường Việt Nam. 
Thách thức về thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng xuất nhập khẩu hàng hóa với EU; Thách thức về nguồn vốn dành cho sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm đến trên 70%. Bước vào hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp không khỏi lúng túng, trăn trở, vì nguồn vốn của họ không có nhiều, trong khi các điều kiện về công nghệ kỹ thuật, môi trường, nguồn gốc xuất xứ và tỷ lệ nội địa hóa... của EVFTA là rất khắt khe, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn.
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân: EVFTA  tạo ra cơ hội xen lẫn thách thức. 
6 kiến nghị cụ thể
Trước những cơ hội và thách thức đó, các đề xuất, kiến nghị để hỗ trợ cho doanh nghiệp là nội dung được Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân đưa ra. Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, giúp doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực thi hiệu quả hiệp định.
Thứ hai, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan triển khai tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về nội dung của hiệp định cho các doanh nghiệp, giúp họ trang bị đầy đủ kiến thức để tự tin tham gia thị trường. Thứ ba, Chính phủ cần tăng cường nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi để triển khai các dự án trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.
Thứ tư, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng lực quản trị, điều hành.
Thứ năm, Chính phủ cần cắt giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án đầu tư công để doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm cơ hội thử sức và đầu tư phát triển.
Thứ sáu, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn lực “nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn” trong dân và doanh nghiệp: Nên phát hành trái phiếu nhiều hơn liên quan tới các dự án đầu tư công để huy động ngoại tệ và các tài sản quý như vàng bạc, đá quý; Sớm ban hành cơ chế thí điểm có giám sát (sandbox) cho các hoạt động fintech, bao gồm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending); Tập trung khai thác thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như các dịch vụ liên quan tới du lịch, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm, sớm nhanh chóng khai thác “kinh tế ban đêm” trên quy mô toàn quốc.