Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FED ban hành QE3: Kinh tế Mỹ có được giải cứu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với 11 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3). Tuy nhiên, liệu động thái gây nhiều tranh cãi này có vực dậy được nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Việc ban hành QE3 sẽ tạo điều kiện để mỗi tháng, FED tung 40 tỷ USD mua các khoản nợ thế chấp nhằm kích thích tăng trưởng. Ngoài ra, FED sẽ duy trì lãi suất siêu thấp 0% - 0,25% cho đến “ít nhất là giữa năm 2015”, thay vì cuối năm 2014 như thông báo hồi tháng 1. Quá trình này sẽ bắt đầu từ ngày 14/9 với kế hoạch bơm 23 tỷ USD vào thị trường từ nay đến hết tháng 9. Ngoài ra, cơ quan tài chính quyền lực này cũng quyết định sẽ kéo dài chương trình hoán đổi trái phiếu để cung cấp cho nền kinh tế gần 85 tỷ USD mỗi tháng.

Theo các nhà phân tích, việc FED mới quyết định tăng lượng nắm giữ trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp sau hơn 2 năm "án binh bất động" đã phản ánh sự yếu kém của thị trường lao động và thị trường bất động sản.

FED ban hành QE3: Kinh tế Mỹ có được giải cứu? - Ảnh 1

Chủ tịch FED - ông Ben Bernanke tin QE3 sẽ cải thiện thị trường việc làm Mỹ.

Chủ tịch FED - ông Ben Bernanke nhận định QE3 sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng, tạo điều kiện cho các công ty tuyển thêm công nhân nhằm, từ đó giúp "thị trường việc làm được cải thiện liên tục trong dài hạn". Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên FED sử dụng các gói nới lỏng định lượng như một liều thuốc đặc trị cho sự yếu kém của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể lấy lại được sức mạnh của mình bất chấp hai lần FED bơm khoảng 2.300 tỷ USD vào thị trường kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Vì thế việc QE3 có hoàn thành sứ mệnh của mình hay không vẫn chưa được đảm bảo do tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành tại châu Âu. Điều khác biệt duy nhất là QE3  không bị giới hạn về mặt thời gian khi FED xác định gói nới lỏng này sẽ không dừng lại "nếu triển vọng thị trường lao động không có những bước tiến đáng kể".

Ngay sau khi tin tức về sự xuất hiện của QE3 được công bố, các thị trường toàn cầu đã biến động mạnh với kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục nhanh sau khi tính thanh khoản tăng. Giá vàng thế giới đã lên tới 1.773,80 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2012 trong khi chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 2,4% lên 123,9 điểm, cao nhất kể từ ngày 4/5. Cùng đà tăng của chứng khoán và vàng, giá dầu thế giới cũng tiến sát mốc 100 USD/thùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại những tiến triển mang tính chất ngắn hạn của QE3 sẽ hình thành nên bong bóng tài sản tại các nền kinh tế đang phát triển và buộc các quốc gia này phải ban hành các chính sách tiêu cực để đối phó với tình trạng tăng trưởng nóng.