Trách nhiệm của Fed?
Theo giới quan sát, sự sụt giảm lịch sử trong tuần vừa qua của thị trường chứng khoán Mỹ có “trách nhiệm lớn” từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 7% kể từ khi Fed giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại là 5,25%-5,50% tại cuộc họp chính sách tuần trước, trong khi chỉ số Nasdaq 100 đã giảm tới 10% trong cùng thời gian.
Theo Giáo sư Jeremy Siegel của Wharton, Fed đang “tụt hậu” so với xu hướng, và cho rằng tổ chức này nên cắt giảm 150 điểm cơ bản trong hai tháng tới.
"Tôi kêu gọi cắt giảm khẩn cấp 75 điểm cơ bản đối với lãi suất quỹ của Fed, với một đợt cắt giảm 75 điểm cơ bản khác được chỉ định vào tháng tới tại cuộc họp tháng 9 và đó là mức tối thiểu," GS Siegel cho biết. Chuyên gia này tin rằng lãi suất quỹ của Fed nên ở mức 3,50%-4%.
Ông cũng chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì hành động quá muộn khi tăng lãi suất trong thời kỳ bùng nổ lạm phát năm 2021 và 2022, và tiếp tục phạm sai lầm khi chờ quá lâu để cắt giảm lãi suất.
Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự sụt giảm nào của thị trường chứng khoán có liên quan tới khả năng bà Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, chuyên gia này phủ nhận và khẳng định vấn đề chắc chắn nằm ở Fed.
Chiến lược gia Mislav Matejka của JPMorgan cho biết trong một lưu ý hồi đầu tuần rằng việc Fed không cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm và bất kỳ động thái cắt giảm nào sắp tới có thể không bù đắp nổi hậu quả.
Có thể nói, bất kể động cơ của Fed là gì khi chờ đến tháng 9 mới cắt giảm lãi suất, thị trường đang nhận được một thông điệp khá rõ ràng.
Fed chưa ra cam kết
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC hôm 5/8, khi được hỏi liệu sự suy yếu của thị trường lao động và lĩnh vực sản xuất có thể thúc đẩy một phản ứng từ Fed hay không, Austan Goolsbee - Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, không cam kết về một động thái cụ thể.
“Nhiệm vụ của Fed rất đơn giản, đó là tối đa hoá việc làm, ổn định giá cả và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Đó là những gì chúng tôi sẽ làm,” vị quan chức cho hay.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc duy trì lập trường chính sách “hạn chế” là không hợp lý nếu nền kinh tế suy yếu. “Nếu các điều kiện kinh tế bắt đầu xấu đi, nếu thị trường lao động hay lĩnh vực sản xuất suy yếu, chúng tôi sẽ khắc phục tình hình,” Chủ tịch Goolsbee nói thêm.
Cuộc phỏng vấn trên diễn ra giữa lúc thị trường tài chính đang hỗn loạn. Làn sóng bán tháo bắt đầu từ phiên 1/8, một ngày sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed quyết định không hạ lãi suất.
Quyết định đó làm dấy lên lo ngại rằng Ngân hàng trung ương Mỹ đang chậm chân trong bối cảnh lạm phát tiếp tục hạ nhiệt và nền kinh tế bắt đầu suy yếu rõ hơn.
Lo ngại tăng cao vào ngày 2/8, khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm yếu hơn kỳ vọng. Vào tháng 7, nền kinh tế chỉ tạo thêm 114.000 việc làm, thấp hơn hẳn ước tính 185.000 của các nhà kinh tế mà Dow Jones khảo sát.
Sự đình trệ của thị trường việc làm cộng với phản ứng tiêu cực của thị trường tài chính có thể buộc Ngân hàng trung ương Mỹ tiến hành mức cắt giảm lãi suất nhiều hơn trước đây, và dự kiến kéo dài đến cuối năm.
“Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cần nhanh chóng quay trở lại quan điểm chính sách 'trung lập', nếu không sẽ có nguy cơ tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến thị trường lao động suy yếu, dẫn đến chi tiêu chậm chạp và càng khiến thị trường lao động suy yếu hơn nữa," Jay Bryson, trưởng bộ phận kinh tế của ngân hàng Wells Fargo, cho biết với báo Financial Times.
Theo ông Bryson, Ngân hàng trung ương Mỹ dự đoán sẽ cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản vào tháng 9 và cắt giảm 50 điểm cơ bản nữa vào tháng 11 tới.
Trước đây, Fed từng cân nhắc việc phối hợp với các ngân hàng trung ương khác để cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong thời điểm diễn ra các cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, chẳng hạn như thời điểm đỉnh dịch Covid-19 đầu năm 2020.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định kịch bản này khó lặp lại trong năm nay. “Việc cho rằng Fed sẽ phản ứng bằng một động thái chính sách khẩn cấp với những gì chúng ta được chứng kiến đến nay chỉ là một thứ đồn thổi trên X,” chuyên gia Steven Kelly từ Chương trình Ổn định Tài chính của Đại học Yale (Mỹ) viết trên X. “Chúng ta còn rất xa so với việc cắt giảm lãi suất giữa các cuộc họp, chứ đừng nói đến bất kỳ động thái cho vay/can thiệp nào đối với thị trường”.