Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn thận trọng khi dự báo về các quyết định của Fed, nhất là trong bối cảnh những thách thức vẫn còn hiện diện.
Những tín hiệu lạc quan
Trong cuộc họp chính sách hồi cuối tháng 10 vừa qua, người tiêu dùng và nhà đầu tư đã tạm thở phào khi Fed quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 5,25 - 5,50%. trong tháng 11.
Mặc dù vậy, việc Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên, thậm chí đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ hay lại tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong cuộc họp chính sách vào tháng 12 tới đang là vấn đề khiến thị trường quan tân.
Sau quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách từ ngày 31/10 đến 1/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách để đưa lạm phát về mục tiêu ngay cả khi mức lãi suất hiện đang ở mức cao nhất trong 22 năm.
“Chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về các cuộc họp trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên tăng thêm lãi suất nữa không?” - ông Powell cho biết trong cuộc họp báo của Fed.
Các quan chức của Fed cũng chưa thực sự tự tin về việc liệu mức lãi suất hiện tại đã đủ cao để ngăn ngừa lạm phát tăng trở lại hay vẫn cần phải tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa?
Dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa được công bố trong tuần này đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư về việc Fed sẽ không thực hiện thêm bất kỳ đợt tăng lãi suất nào trong năm nay.
Theo báo cáo được công bố hôm 14/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 đã giảm xuống 3,2%, từ mức 3,7% trong cả tháng 8 và tháng 9, đồng thời thấp hơn mức 3,3% dự báo của giới chuyên gia. Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi của Mỹ tăng 0,2% so với tháng 9 và 4% so với năm 2022, thấp hơn dự báo lần lượt là 0,3% và 4,1%. Nếu so sánh giữa các năm, đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 9/2021.
Bên cạnh đó, chi phí liên quan tới phương tiện đi lại, yếu tố chính khiến CPI tăng mạnh trong giai đoạn 2021 - 2022, đã dần hạ nhiệt. Giá xe mới đã giảm 0,1%, trong khi giá xe đã qua sử dụng cũng giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước những tín hiệu đáng mừng trên, các chuyên gia kinh tế đã không ngần ngại đưa ra dự báo về việc Fed sẽ dừng tăng lãi suất. Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS, cho biết: “Fed vẫn luôn muốn thấy nhiều tiến triển hơn, nhưng có vẻ cuộc chiến lạm phát đã đến hồi kết. Các thông số cho thấy nền kinh tế sẽ tránh được một cuộc suy thoái và lạm phát sẽ tiếp tục giảm”.
Còn theo tờ The Wall Street Final, các nhà đầu tư cho rằng Fed đã hoàn thành chiến dịch tăng lãi suất và loại bỏ những khả năng về việc cơ quan này có thể nâng lãi suất trong hai cuộc họp tới vào tháng 12 và tháng 1/2024.
Thậm chí, một số chuyên gia còn lạc quan hơn khi kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 5/2024, sớm hơn các dự báo trước đây.
Theo Ngân hàng Morgan Stanley, Fed sẽ thực hiện 4 đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới, mỗi đợt sẽ giảm 25 điểm cơ bản (0,25%), để đưa mức lãi suất cơ bản xuống 4,375%. Sau đó, Fed sẽ thực hiện tiếp 8 đợt cắt giảm nữa trong năm 2025, đưa lãi suất cơ bản xuống còn 2,375%. Morgan Stanley dự báo kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái, nhưng cần phải nới lỏng chính sách do kinh tế suy yếu.
Trong khi đó, Ngân hàng USB dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất tới 2,75% trong năm 2024, nhiều gấp 4 lần so với mức dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, cơ sở của dự báo này xuất phát từ việc Ngân hàng USB cho rằng nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái do vẫn phải đối diện với những thách thức trong khi không còn nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ như năm nay.
Theo Arend Kapteyn và Bhanu Baweja, hai chiến lược gia tại UBS, lãi suất sẽ giảm mạnh như các chu kỳ nới lỏng trước đó.
Rủi ro lạm phát vẫn ám ảnh Fed
Tuy vậy, một số nhà kinh tế vẫn rất thận trọng khi đưa ra các dự báo về chính sách tiền tệ của Fed. Các quan chức Fed cho biết dù số liệu lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có những chuyển biến tích cực, Ngân hàng trung ương Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.
Chủ tịch Fed tại Chicago, ông Austan Goolsbee, nhận định: “Mặc dù dữ liệu lạm phát gần đây đã hạ nhiệt, chúng tôi vẫn còn chặng đường dài phía trước. Khi lạm phát hàng hóa đã giảm và lạm phát dịch vụ không bao gồm nhà ở tăng chậm lại, chìa khóa để đạt được những tiến bộ vượt bậc hơn nằm ở diễn biến của lạm phát nhà ở. Nhìn chung, dù lạm phát đi xuống, các trở ngại khác vẫn còn tồn tại”.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed khu vực Richmon Thomas Barkin cho biết ông chưa chắc chắn rằng lạm phát đang giảm xuống mục tiêu 2% một cách thuận lợi dù đã có những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây.
Ông cũng lý giải rằng lạm phát đã giảm nhưng phần lớn đến từ sự đảo ngược của đợt tăng giá thời Covid-19. “Nguyên nhân lúc đó là do cung và cầu tăng cao. Lạm phát nhà ở và dịch vụ hiện vẫn ở mức cao như vậy” - ông Barkin lưu ý thêm.
Thậm chí, vào tháng 9, một số dự báo kinh tế cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lên mức từ 5,5 - 5,75% nhằm giải quyết triệt để lạm phát. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí vay đắt hơn, trở thành gánh nặng lớn về tài chính đối với người tiêu dùng và DN, làm sụt giảm niềm tin với thị trường và gia tăng nguy cơ dẫn đến suy thoái.
Fed bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3/2022 nhằm hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng sau đại dịch Covid-19 khiến lạm phát lập kỷ lục trong nhiều năm. Việc lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao so với mục tiêu 2% có thể sẽ khiến Fed phải xem xét về một động thái thắt chặt một lần nữa.
Bên cạnh đó, những kinh nghiệm trong quá khứ cũng sẽ buộc Ngân hàng trung ương Mỹ phải quyết liệt hơn để ngăn chặn những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra. Vào những năm 1970, thất bại của Fed trong việc làm chậm lại nền kinh tế và ngăn chặn lạm phát đã dẫn đến một cuộc suy thoái nghiêm trọng vào năm 1980. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng hiện còn quá sớm để Fed dừng việc tăng lãi suất do điều này có thể khiến lạm phát một lần nữa bùng phát.