FED sẽ phải mạnh tay hơn nữa trước “cơn bão” lạm phát?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát của Mỹ trong tháng 5 lập đỉnh cao nhất trong 4 thập kỷ, khiến nhà đầu tư lo sợ về việc FED có thể trở nên cứng rắn hơn trong chính sách lãi suất.

FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm?

Thế giới đang dành sự quan tâm đặc biệt đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dự kiến được đưa ra trong cuộc họp vào chiều ngày 15/6 tới.

Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Getty
Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Getty

Tại cuộc họp chính sách giữa tuần này, FED được cho là sẽ tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 5/2022 đã khiến thị trường đặt câu hỏi về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có nên đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa hay không?

Bản báo cáo lạm phát công bố hôm 10/6 là một nhân tố tiêu cực đối với thị trường tài chính vốn dĩ đã phản ánh những mối lo về sự leo thang của lạm phát và giảm tốc tăng trưởng kinh tế. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 5 của Mỹ tăng 8,6%, vượt mức dự báo tăng 8,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Số liệu lạm phát này cũng thổi bùng cuộc tranh luận về việc liệu FED có tính đến chuyện tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và tiếp tục nâng lãi suất với tốc độ nhanh sau đó. Cuối tuần trước, cả Barclays và Jefferies đều nâng dự báo mức tăng lãi suất của FED trong tuần này lên 0,75 điểm phần trăm, nhưng phần lớn chuyên gia kinh tế khác vẫn kỳ vọng mức tăng sẽ chỉ là 0,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs hôm 10/6 cũng điều chỉnh dự báo với mức tăng sẽ là 0,5 điểm phần trăm vào tuần tới, bên cạnh mức tăng tương tự vào tháng 7 và tháng 9.

Bài toán khó với FED

Sau số liệu lạm phát tháng 5, bài toán dành cho Chủ tịch FED Jerome Powell  ngày càng khó - lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khó tránh khỏi việ cđẩy Mỹ vào suy thoái nếu muốn kiểm soát giá cả.

Theo Bloomberg, các chuyên gia kinh tế cho rằng để đưa lạm phát quay về mốc chấp nhận được, Mỹ cũng sẽ phải đánh đổi bằng GDP giảm và thất nghiệp cao, chứ chưa nói đến việc kéo lạm phát về mục tiêu của FED là 2%. "Tôi ngày càng bi quan về cơ hội ổn định lạm phát mà không gây ra suy thoái", Bruce Kasman - kinh tế trưởng tại JPMorgan Chase & Co nhận định.

Trong một báo cáo công bố tuần trước, nhà kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics Anna Wong và các đồng nghiệp đánh giá xác suất Mỹ suy thoái năm nay là 25% và năm sau là 75%. "Suy thoái sẽ không thể xảy ra trong năm nay, nhưng năm sau thì khó tránh", báo cáo của Bloomberg Economics nêu rõ.

Dù vậy, quá trình nâng lãi trong vài tháng tới còn phụ thuộc vào việc giới chức ngân hàng trung ương Mỹ muốn hạ lãi suất đến đâu và sẵn sàng đánh đổi đến mức nào. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED - tăng 6,3% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này cao gấp 3 mục tiêu 2%. Còn nếu không tính giá lương thực và nhiên liệu, mức tăng là 4,9%.

Theo cựu Phó chủ tịch FED Alan Blinder, hiện là giáo sư tại đại học Princeton, ngân hàng trung ương Mỹ phải cân bằng giữa hai rủi ro. Lạm phát càng ở mức cao trong thời gian dài, khả năng nó kéo tụt nền kinh tế càng lớn. Tuy nhiên, nếu hành động quá mạnh tay trong chính sách lãi suất  để giải quyết sức ép giá, FED cũng sẽ tạo ra nhiều mối nguy hiểm. Cơ quan này có thể đẩy Mỹ vào suy thoái sâu và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Trong khi đó, cựu kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho rằng FED và các ngân hàng trung ương khác đã để lạm phát vượt tầm kiểm soát. Vì thế, các cơ quan này nên ngừng thắt chặt tiền tệ khi lạm phát xuống 3% và coi đó là mục tiêu mới, hơn là mạo hiểm đẩy nền kinh tế vào suy thoái chỉ để lạm phát về 2%.