Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

G7 đề cao vai trò Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen

Kinhtedothi - Ngày 23/4, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi gia hạn thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, với những điều khoản mở rộng.

Được trung gian bởi Liên Hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen được ký kết tại Istanbul vào tháng 7 năm ngoái đã giúp Ukraine xuất khẩu hơn 27 triệu tấn ngũ cốc từ một số cảng ở Biển Đen cho đến nay. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và tiếp tục thêm 60 ngày vào hôm 18/3 vừa qua.

Gần đây, Nga tuyên bố sẽ không đàm phán tiếp tục gia hạn thỏa thuận nếu không có tiến triển trong giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống liên quan đến việc kết nối thanh toán, nguồn cung máy móc và bảo hiểm. Dự kiến, vào tuần tới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thảo luận về Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen với Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tại New York (Mỹ).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã xác nhận thông tin gia hạn thỏa thuận quan trọng này, nhưng khẳng định Moscow chỉ đồng ý kéo dài thời hạn 60 ngày thay vì 120 ngày như tuyên bố của phía Kiev. Trên kênh Telegram cá nhân, bà Zakharova còn đăng tải kèm 2 văn kiện đều ấn định thời hạn 60 ngày, gồm thông báo của Đại sứ Nga gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc và thông báo của Đại sứ quán Nga gửi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong thông cáo sau cuộc họp kéo dài 2 ngày qua tại Nhật Bản, các bộ trưởng nông nghiệp G7 đã công nhận tầm quan trọng của thỏa thuận, nói rằng: “Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc gia hạn, thực hiện đầy đủ và mở rộng Sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen (BSGI)”. Tuyên bố đồng thời khẳng định các quốc gia G7 sẵn sàng hỗ trợ tiến trình phục hồi và tái thiết ở Ukraine, trong đó có tái thiết cơ sở hạ tầng nông nghiệp.

Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7 diễn ra trong bối cảnh tình trạng gián đoạn nguồn cung trên các thị trường lương thực đang đẩy giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các nước nghèo. Hàng chục quốc gia đang ghi nhận lạm phát ở mức hai con số, trong khi 349 triệu người tại 79 quốc gia đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng, trong đó nhiều quốc gia ở châu Phi được xác định là “điểm nóng về nạn đói”.

Trước cuộc họp, Nhật Bản đã nhất trí với Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế về tăng cường quan hệ đối tác trong việc xóa đói trên toàn thế giới và đưa ra sáng kiến giúp các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ hướng tới canh tác bền vững với sự tham gia của các công ty tư nhân. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản sẽ đóng góp 230 triệu yên (1,7 triệu USD) cho sáng kiến này.

Các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Chương trình Lương thực thế giới, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, cảnh báo rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra “một cú sốc chưa từng có đối với hệ thống lương thực toàn cầu”.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia nghiêm khắc xử lý trên lĩnh vực giao thông

Các quốc gia nghiêm khắc xử lý trên lĩnh vực giao thông

11 May, 05:52 AM

Kinhtedothi - Dù khác biệt về thể chế và điều kiện phát triển, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đều chia sẻ cách tiếp cận chung trong quản lý giao thông: xử phạt nghiêm minh, ứng dụng công nghệ giám sát hiện đại và kết hợp giáo dục hành vi nhằm xây dựng văn hóa giao thông bền vững.

Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva

Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva

10 May, 07:58 PM

Kinhtedothi - Vào sáng thứ Bảy, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lệ Băng đã khởi động cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Geneva. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang vào đầu năm nay.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ