Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G7 taxi đấu với “gã khổng lồ” Grab

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/11, G7 taxi chính thức tổ chức ra mắt thương hiệu mang theo tham vọng và quyết tâm định nghĩa lại khái niệm taxi truyền thống để cạnh tranh với “gã khổng lồ” Grab.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 70 hãng xe taxi với khoảng 17.000 đầu xe. Tuy nhiên, số hãng taxi có lượng đầu xe trên 1.000 chiếc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu đem so sánh với số đầu xe đang “đầu quân” cho Grab thì con số này chỉ như “muối bỏ biển”.
Hy sinh cái riêng để tạo ra cái chung mới tiến bộ hơn

Tổng Giám đốc G7 taxi Nguyễn Anh Quân cho biết, kết quả nghiên cứu từ các mô hình vận tải hành khách bằng xe taxi ở các nước phát triển trên thế giới cho thấy, việc phát triển thương hiệu mà không sở hữu một phương tiện nào đang là xu thế thịnh hành và mang lại thành công cho nhiều hãng taxi.
 G7 taxi hoạt động trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Công Hùng 
G7 taxi ra đời và được xây dựng theo đúng mô hình như thế. “G7 taxi sử dụng sức mạnh tài chính để phát triển thị trường, đồng thời hợp tác với các đơn vị có thương hiệu tốt, người lái tốt, phương tiện tốt và tài chính tốt để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng”- ông Quân chia sẻ. Sau khi hợp tác với 3 đơn vị với số lượng phương tiện khoảng 3.000 xe, G7 taxi trở thành thương hiệu taxi có số lượng taxi lớn nhất tại Hà Nội. Với phạm vi hoạt động trải khắp 12 quận, sẽ rất thuận tiện cho khách hàng có thể gọi đặt xe hoặc có thể sử dụng dịch vụ xe có mào của G7 taxi trên các cung đường.

"Phương thức mới là sự kết hợp giữa nhu cầu đi lại của hành khách với hãng vận tải phục vụ. Đặc điểm là đi lại quãng ngắn, hành khách đơn lẻ. Còn xe hợp đồng là đi theo đường dài, và đi theo đoàn lớn. Đây là sự nhầm lẫn. Mâu thuẫn gay gắt chính là ở chỗ này. Cùng một phân khúc thị trường nhưng lại có sự định danh khác nhau nên tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Thiện Quyền


“Trước đây có nhiều trường hợp lái xe taxi truyền thống từ chối những cuốc chạy quãng ngắn. Điều này sẽ được khắc phục triệt để. Chúng tôi sẽ xử phạt rất nặng lái xe từ chối cuốc gọi chạy quãng đường ngắn và sẵn sàng lắng nghe phản hồi của khách hàng về thái độ phục vụ của lái xe”. - Tổng Giám đốc G7 taxi Nguyễn Anh Quân

Đánh giá về sự ra đời của G7 taxi, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc sáp nhập 3 hãng taxi để tạo thành G7 taxi giống như một cuộc cách mạng trong ngành vận tải taxi truyền thống, khi mà các hãng chấp nhận hy sinh cái chung là thương hiệu đã được xây dựng và chăm chút trong suốt một thời gian dài để tạo ra một cái chung mới tiến bộ hơn, thức thời hơn. “Thay vì việc chờ đợi, đứng nhìn các đối thủ cạnh tranh của chúng ta phát triển thì chúng ta phải tự làm mới mình để phù hợp với xã hội, từ đó tạo tiền đề để đuổi kịp và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ cạnh tranh của mình”- ông Hùng nói. Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, sự ra đời của G7 taxi là tín hiệu tốt để tạo ra sức mạnh cho DN, từ đó giúp DN taxi nội tránh được tình trạng “thua ngay trên sân nhà”. Đồng thời, mô hình mới này cũng là cách để taxi truyền thống thể hiện trách nhiệm với chính DN và người tiêu dùng. “Sự kiện G7 taxi là minh chứng để thay đổi cách nghĩ đó”- ông Hùng khẳng định.
Thay đổi quan điểm taxi truyền thống

Thừa nhận thị trường vận tải taxi tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, Tổng Giám đốc G7 taxi Nguyễn Anh Quân vẫn tự tin khẳng định, với chiến lược của mình, G7 taxi sẽ đủ sức giành lại thị phần và cạnh tranh một cách sòng phẳng với “gã không lồ” Grab. “Chiến lược của chúng tôi sẽ tập trung cạnh tranh trên hai phương diện: Giá cả và chất lượng dịch vụ”. Về giá cả, ông Quân cho biết, mức giá hiện nay G7 taxi áp dụng được đánh giá là ưu đãi nhất trong số các hãng taxi hiện nay. Theo kết quả khảo sát thì có tới 86% người được hỏi hài lòng với mức giá của G7 taxi. Còn về chất lượng dịch vụ, lãnh đạo G7 taxi cho biết, hãng sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng chuyên môn lái xe và chất lượng phục vụ khách hàng. Từ trang phục, cách giao tiếp với khách hàng, cách trả lời qua tổng đài đến những cử chỉ nhỏ nhất cũng được quán triệt khắt khe tới từng nhân viên trong hãng. “Chúng tôi sẽ định nghĩa lại khái niệm về taxi truyền thống để khách hàng có một cái nhìn hoàn toàn khác về taxi truyền thống, từ giá cả tới chất lượng phục vụ, thái độ phục vụ của nhân viên”- ông Quân khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, sự xuất hiện của G7 taxi đã giúp giải quyết một phần phần quan trọng trong tiến trình phát triển taxi truyền thống: “Trong 3 năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự đổi mới rất mạnh trong công nghệ quản lý taxi. Sự ra đời của những phương thức kết nối giữa hành khách và nhà vận tải đã đặt ra nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội và quản lý nhà nước”. Đánh giá Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP không phải là rào cản hay cản trở áp dụng công nghệ taxi mà là khuyến khích DN trong và ngoài nước áp dụng công nghệ quản lý vận tải. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận là chưa đủ vì ngoài việc áp dụng công nghệ còn là hành lang pháp lý cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tránh điều bất hợp lý giữa các hãng taxi công nghệ và truyền thống. Bộ GTVT mới đây đã định danh Grab là mô hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Theo ông Quyền, chính điều này đã và đang tạo ra môi trường kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, công bằng giữa taxi truyền thống và Grab. Bởi nếu đã là taxi thì đều phải đáp ứng đủ yêu cầu của kinh doanh taxi. Thế nhưng, nếu Grab được xác định là kinh doanh vận tải hợp đồng thì sẽ được nới nhiều về điều kiện kinh doanh hơn rất nhiều so với taxi truyền thống.