Gần 1.200 tỷ đồng đã được Thành phố Hà Nội hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng Covid-19

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ 904,28 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và 292,27 tỷ đồng từ nguồn vận động huy động xã hội hóa để các đối tượng ổn định cuộc sống.

Đến cuối ngày 22/9, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, toàn TP Hà Nội đã thực hiện chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của TP Hà Nội và huy động xã hội hóa để hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.196,55 tỷ đồng.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã đã ra quyết định phê duyệt cho trên 1,649 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với kinh phí 614,232 tỷ đồng. Đến nay, đã có 1,624 triệu người lao động, người sử dụng lao động  với kinh phí 571,394 tỷ đồng.
Trong đó, Bảo hiểm xã hội TP đã thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp cho 89.501 đơn vị với 1,423 triệu người, với tổng số tiền 147,3 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội TP đã ra quyết định và thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 99 đơn vị, với 8.216 lao động, số tiền tạm dừng đóng 58,61 tỷ đồng.
 Bí thư Đảng ủy phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) Trịnh Chí Thanh trao hỗ trợ cho người lao động tự do.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 28 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 21.595 lao động 85,96 tỷ đồng. Đến nay, đã có 20.032 người lao động được nhận số tiền hỗ trợ 80,4 tỷ đồng. Thực hiện tương đối tốt nhóm chính sách này là quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Ba Đình, Hoàn Kiếm và huyện Thanh Trì.
Đối với chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô và 22 quận, huyện đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 14.597 người; bao gồm đối tượng F0, F1 và hỗ trợ thêm tiền ăn cho trẻ em là F0, F1 với kinh phí hỗ trợ 19,68 tỷ đồng. Đến cuối giờ chiều ngày 22/9, đã có 14.482 người đủ điều kiện thụ hưởng được nhận hỗ trợ 19,55 tỷ đồng.

Riêng chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) có số đối tượng được thụ hưởng chiếm nhiều nhất. 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 172.921 lao động tự do với số tiền 259,38 tỷ đồng; trong đó đã chi trả cho 151.036 người lao động 226,55 tỷ đồng.
 Huyện Hoài Đức hỗ trợ cho lao động là giáo viên mầm non tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương. Ảnh: Thủy Trúc.
Đối với chính sách đặc thù cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, toàn TP Hà Nội đã có 285.835 người, hộ kinh doanh được phê duyệt kinh phí hỗ trợ 290,04 tỷ đồng. Trong 8 nhóm chính sách, Hà Nội đã hoàn thành công tác chi trả kinh phí cho 3 nhóm đối tượng (người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo) với số tiền 282,393 tỷ đồng.
Trong 4 nhóm chính sách khác Hà Nội đang thực hiện, nhóm 6 hỗ trợ người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, GDNN có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động; hỗ trợ bổ sung đối với người đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em dưới 6 tuổi, có số người được phê duyệt hỗ trợ nhiều nhất. Cụ thể, 15 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hòa đã phê duyệt và hỗ trợ cho 2.192 người với số tiền 4,63 tỷ đồng. Hiện đã có 2.080 người lao động được chi trả hỗ trợ kinh phí 4,36 tỷ đồng.
Nhóm 8 hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên, đã có 15 quận, huyện là Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hòa đã phê duyệt cho 841 chủ cơ sở với số tiền 2,5 tỷ đồng. Đến cuối giờ chiều ngày 22/9, 614 chủ cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đã được nhận số tiền 1,84 tỷ đồng.
Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương thông tin, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, huyện Hoài Đức đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho 14 cơ sở giáo dục và 106 người thuộc cơ sở giáo dục kinh phí 465.260.000 đồng. Đối với Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, huyện Hoài Đức đã có 24 cơ sở giáo dục và 136 người lao động thuộc cơ sở giáo dục được phê duyệt hỗ trợ 338.000.000 đồng và 64 chủ nhóm trẻ được phê duyệt hỗ trợ 192.000.000 đồng.
Kể từ khi TP Hà Nội thực hiện Chủ thị 17/CT-UBND ngày 23/7 đến nay, TP Hà Nội và nhiều tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương đã hỗ trợ cho 1.054.431 hộ, người dân trong thời gian dịch bệnh số tiền 292,261 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần