Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 7% cán bộ người dân tộc thiểu số đảm đương chức vụ từ cấp huyện trở lên

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số (DTTS) trong hệ thống chính trị. Đồng thời, thúc đẩy cán bộ, công chức nữ người DTTS tham gia trong hệ thống chính trị.

Phát triển cán bộ người dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Theo Uỷ ban Dân tộc, giai đoạn 2016 - 2019, Chính phủ đã chú trọng xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, công chức người DTTS. Đơn cử như: Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới…
Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chính trị. Tính đến nay, số lượng người DTTS giữ vị trí lãnh đạo cấp tỉnh, TP và cấp Bộ là 46 người (chiếm 12,16%); cấp Vụ và tương đương là 146 người (chiếm 4%); công chức, viên chức ở các bộ ngành và sở là 170.437 người (chiếm 15%).
Thống kê của nhiệm kỳ 2016 - 2020 cho thấy, có 6,94% cán bộ công chức người DTTS đảm đương các chức vụ từ cấp huyện trở lên. Trong Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XII, số uỷ viên T.Ư chính thức và dự khuyết người DTTS chiếm 10%. Trong Quốc hội khoá XIV có 86 đại biểu của 32 nhóm DTTS.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chú trọng xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong cộng đồng. Đến nay, cả nước đã bầu chọn được 34.900 người có uy tín trong đồng bào DTTS và miền núi.