Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn thoái vốn với cổ phần hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phần hóa (CPH) về tổng thể thì chúng ta không mất mà chỉ làm cho DN mạnh lên. Với quan điểm này, tiến độ tái cơ cấu, CPH DN Nhà nước (DNNN) thời gian qua đã được đẩy nhanh hơn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu từ nay đến cuối năm phải CPH 289 DNNN vẫn tiếp tục là một áp lực không nhỏ. Áp lực đó xuất phát từ thực tế nảy sinh thời gian qua, một trong số đó là việc nhiều DNNN chỉ CPH lượng rất nhỏ vốn Nhà nước.

Có DN bán ra chỉ 10% vốn, thậm chí có DN chỉ 3 - 4% vốn Nhà nước. Như vậy, về cơ bản DN đó vẫn là DNNN. Và thực tế này cũng đã được thừa nhận, CPH thời gian qua còn chưa đạt yêu cầu đề ra có nguyên nhân không nhỏ do vẫn còn nhiều DN mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần. 

Với nhà đầu tư chiến lược, họ phải nhìn thấy quyền được thay đổi các kế hoạch kinh doanh, khi đó cổ phiếu của DN mới có sức hấp dẫn thực sự. Sự thất bại của Vinamotor thời điểm bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tháng 3/2014 là một minh chứng. DN từng được kỳ vọng là rường cột cho ngành ô tô Việt Nam đã đấu giá 51 triệu cổ phiếu nhưng kết quả chỉ bán được 3,1%, trong số đó, giá trúng cũng chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Vì thoái vốn 51% bất thành, mới đây, Chính phủ đã thông báo thoái 100% vốn tại DN này (khoảng 97%), tính ra ít nhất khoảng 855 tỷ đồng. Sau quyết định này, ngay trong tháng 3 này, đã có 2 nhà đầu tư gửi văn bản bày tỏ sự quan tâm việc mua lại.

Tới đây, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát sau CPH, nếu phát hiện những DN không thuộc lĩnh vực Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối mà Ban chỉ đạo CPH vẫn xây dựng phương án CPH theo hướng cổ đông Nhà nước nắm cổ phần chi phối, dẫn đến IPO không thành công, Ban chỉ đạo CPH phải chịu trách nhiệm. Hy vọng, với quyết tâm này, IPO sẽ diễn ra đúng bản chất, mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh CPH, một trong những yếu tố quan trọng là phải có lộ trình rõ ràng từ CPH đến niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bởi chỉ khi gắn CPH với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư mới có được những thông tin đầy đủ, minh bạch các sản phẩm mà họ chuẩn bị mua.

Nhà nước đã có những hướng dẫn cụ thể quy định về niêm yết cổ phiếu các DN. Vấn đề là phải buộc các DN thực thi đúng tinh thần những quy định đã ban hành. Không chỉ DN mà Chính phủ cũng phải vào cuộc để thực hiện các cam kết của mình, để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, qua đó góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN.