Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Âu sẽ khởi sắc nhờ EVFTA. Ảnh minh hoạ. |
Thống kê hàng năm, Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 - 7,0 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan, chiếm khoảng 43% đến 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3 triệu tấn.
Với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác quốc tế, các nước thành viên EU, việc triển khai Hiệp định EVFTA đã diễn ra khá đồng bộ, tạo xung lực mới cho tăng trưởng và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đặc biệt là các mặt hàng nông sản như: Thủy sản, trái cây, cà phê và gạo. Hàng năm, EU nhập khẩu gạo 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro; do vậy, khi thực hiện hiệp định EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào EU.
Hiện nay, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm. Trong khi đó, 2 nhà xuất khẩu lớn gạo vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021, cụ thể 175 Euro/tấn (2019); 150 Euro/tấn (2020) và 125 Euro/tấn (2021).
Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đi EU đạt trên 15.800 tấn gạo, với giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Xuất khẩu gạo trong đó có gạo thơm sang EU từ nay đến hết năm 2020 dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. Không chỉ đối với mặt hàng gạo, Bộ NN&PTNT luôn ủng hộ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và an toàn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, để đạt được mục tiêu xuất khẩu vào EU, Bộ đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần xác định nhóm ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, mang tính bổ trợ để tập trung thúc đẩy xuất khẩu vào EU như: Thủy sản, cà phê, hạt điều, tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, trái cây cả tươi và chế biến, gạo (tiềm năng) là các sản phẩm xuất khẩu chính sang EU. Quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thâm thiện với môi trường.
Cùng với đó, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan của EVFTA đối với nông sản đã qua chế biến. Doanh nghiệp cũng cần cùng Nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc… để mở rộng thị trường sang EU.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU là 50.000 tấn gạo, đạt 28,5 triệu Euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. So với các nước Asean khác, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.