“Ngày 13/3 tới đây, tàu PERSEVERANCE (dịch nghĩa “Kiên Định”), một dạng du thuyền được thiết kế đặc biệt để phục vụ chuyến thám hiểm Nam Cực, sẽ khởi hành từ TP Hồ Chí Minh ra miền Bắc, rồi đến cảng Marseille (Pháp). Sau đó tiếp tục hải trình cùng tàu Polar POD đến Nam Cực” - Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP Hồ Chí Minh cho biết.
Chuyến thám hiểm này do nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới Jean-Louis Etienne cùng các nhà khoa học thực hiện dưới sự điều phối chính của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cùng với sự tham gia của 12 quốc gia, 43 cơ quan nghiên cứu khoa học trên thế giới.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser chia sẻ, khi còn nhỏ bà cùng nhiều người cùng trang lứa luôn xem nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne như một thần tượng của lòng quả cảm. Đến nay, dù nhà thám hiểm đã 77 tuổi nhưng ông vẫn được giới trẻ Pháp ngưỡng mộ.
Tại buổi gặp gỡ các nhà khoa học và báo chí do Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP Hồ Chí Minh tổ chức, nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne chia sẻ về một số kỹ năng trong những chuyến thám hiểm trước kia của ông. “Ví như chuyến thám hiểm Bắc Cực vào năm 1986, tôi đi một mình nên rất cô độc. Thời điểm đó không có điện thoại di động để liên lạc, hoặc thiết bị GPS để định vị. Do đó, tôi phải nhờ vào thiết bị có gắn chiếc ăng ten để định vị, mới biết mình đã lên tới Cực Bắc” - nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne kể lại.
Cũng theo nhà thám hiểm, Cực Bắc được bao phủ nhiều băng, trên bề mặt băng rất gập ghềnh, có nhiều gió và gió thổi các tảng băng trôi quanh năm. Để chụp được các bức ảnh băng gập ghềnh, nhà thám hiểm phải đi bộ kéo xe trượt tuyết băng qua các địa hình hiểm trở và vô cùng nguy hiểm, vì sơ sẩy sẽ bị các tảng băng trôi nghiền nát bất cứ lúc nào.
“Trong chuyến thám hiểm cùng thành viên của các nước: Nhật, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô đi qua vùng biển ROSS để đi xuyên Nam Cực (1989-1990) trong vòng 7 tháng, vượt qua quãng đường hơn 6.300km với đàn chó kéo xe.
Thời đó chưa có flycam, để có được những bức ảnh từ trên cao chụp xuống, chúng tôi phải dùng dây trên tàu buộc vào con diều có gắn camera rồi thả lên trời để chụp hình. Trong những tháng sống ở vùng băng giá, nhằm tự chủ về nguồn năng lượng khi thám hiểm và lúc nghỉ ngơi, tôi phải dùng những tấm pin năng lượng mặt trời gắn trên lều của mình” - nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne cho biết.
Theo nhà thám hiểm, các tảng băng ở vùng biển Nam Cực rất lớn, có độ dày từ 30-40m. Do nhiệt độ ngày càng tăng, cộng với việc phải hấp thụ đến 50% lượng khí thải CO2 do con người thải ra trong vòng một thế kỷ qua, đã khiến những tảng băng trượt xuống đại dương và tạo thành rất nhiều tảng băng trôi. Chỉ trong vòng 24 năm, từ năm từ ngày 27/9/1996 đến 27/9/2020, một rìa băng tương đương cuộc hành trình dài 600km ở Nam Cực đã tan biến do trái đất nóng lên.
Đối với chuyến thám hiểm một mình vượt Bắc Băng Dương bằng khinh khí cầu vào ngày 6/4/2010, lúc này nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne dù đã 64 tuổi, nhưng ông vẫn phải đi học cách điều khiển khinh khí cầu trước khi thực hiện hành trình.
"Trên khinh khí cầu của tôi có gắn nhiều tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ cho chuyến đi. Sau 5 ngày 2 giờ 15 phút vượt qua 3.160km, tôi đáp xuống một khu vực giữa Siberia của nước Nga. May mắn cho tôi là vào thời điểm đó có ngài Đại sứ của Nga can thiệp kịp thời, nên phía quân đội không bắn vào khinh khí cầu, vì tôi đáp ở vùng cấm. Sau đó, Cơ quan An ninh của Nga giữ tôi trong vòng 4 ngày để tra hỏi, họ rất tôn trọng tôi. Khi chắc rằng tôi không phải gián điệp, đồng thời nhờ sự can thiệp của các mối quan hệ nên tôi được thả” - nhà thám hiểm Jean-Louis Etienne kể lại.