Phát triển du lịch cộng đồng tại Điện Biên: hướng đi bền vững từ bản sắc vùng cao
Kinhtedothi - Với cảnh sắc nguyên sơ, văn hóa đặc sắc và cộng đồng dân cư gắn bó, nhiều địa phương vùng cao Điện Biên đang trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, đặt mục tiêu đưa du lịch cộng đồng thành một sản phẩm chủ đạo trong giai đoạn tới.
Bản làng giữ trọn bản sắc người Dao
Nằm nép mình dưới chân núi, hướng ra dòng sông Đà thơ mộng, thôn Huổi Lóng (xã Tủa Thàng) là một trong những điểm đến giàu tiềm năng du lịch cộng đồng của tỉnh Điện Biên. Hơn 100 hộ dân tộc Dao sinh sống trong khu tái định cư được quy hoạch gọn gàng đã tạo nên một khung cảnh thanh bình, cuốn hút.
Tại đây, bản sắc văn hóa dân tộc Dao vẫn được lưu giữ nguyên vẹn qua trang phục truyền thống, chữ viết cổ, nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng. Du khách không chỉ được hòa mình vào đời sống thường nhật mà còn có cơ hội tham gia các nghi lễ đặc trưng như lễ cấp sắc – một nghi thức trưởng thành quan trọng trong đời người đàn ông Dao.
Ông Phàn Quang Châu, người dân bản Huổi Lóng cho biết: “Các bản người Dao thường ở gần nhau, nên văn hóa ít bị pha trộn. Lễ nghi, đạo cụ, chữ viết đều do các thầy mo gìn giữ và truyền dạy. Chính điều này giúp bản sắc văn hóa được bảo tồn khá nguyên vẹn”.
Cảnh sắc thiên nhiên kết hợp cùng đời sống sinh hoạt mang đậm dấu ấn văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho Huổi Lóng. Du khách đến đây dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ nữ kéo sợi dệt vải bên hiên, trẻ em vui đùa bên suối, thuyền máy từ sông Đà cập bến mang theo đầy ắp cá tôm. Nếu may mắn, khách còn có dịp tham dự lễ hội dân gian – nơi văn hóa truyền thống hòa quyện cùng cộng đồng.

Toàn cảnh thôn Huổi Lóng xã Tủa Thàng. Ảnh: BĐBP
Định hướng bài bản, mục tiêu rõ ràng
Để nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 3431/KH-UBND nhằm triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là khai thác tối đa giá trị văn hóa – tự nhiên, đồng thời nâng cao đời sống người dân và xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 7 điểm du lịch cộng đồng được công nhận; 1 điểm đạt chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN; 50% điểm được công nhận sản phẩm OCOP, quảng bá trên nền tảng số và truyền thông chính thống. Điện Biên cũng đặt mục tiêu các điểm du lịch cộng đồng sẽ đón từ 15-20% lượng khách du lịch toàn tỉnh.
Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng sẽ gắn chặt với bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hình thành cơ chế phối hợp quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các mô hình chuỗi liên kết giữa du lịch và sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, nhằm gia tăng giá trị kinh tế và giữ chân du khách.

Xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Điện Biên nhằm phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Ảnh: Điện Biên TV
Kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò của đào tạo nguồn nhân lực: ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch cộng đồng và 60% lao động sẽ được tập huấn nghiệp vụ. Hằng năm tổ chức tối thiểu 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách, bảo tồn văn hóa phi vật thể và gìn giữ lễ hội truyền thống.
Để triển khai hiệu quả, Điện Biên đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ tuyên truyền nâng cao nhận thức, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, cho đến bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ trong triển khai; định kỳ báo cáo tiến độ để điều chỉnh phù hợp thực tiễn.
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tại các điểm tiềm năng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi, góp phần tạo chuỗi giá trị du lịch đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Trong giai đoạn phát triển mới, khi xu hướng du lịch xanh, du lịch trải nghiệm ngày càng được ưa chuộng, thì việc đầu tư vào du lịch cộng đồng là hướng đi hợp thời, Điện Biên đang nỗ lực tạo dựng một hệ sinh thái du lịch cộng đồng đặc trưng, hấp dẫn và bền vững.

Phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng ở Gia Lâm
Kinhtedothi-Với lợi thế có nhiều làng nghề truyền thống, hàng trăm di tích lịch sử văn hóa và lễ hội, cùng 4 điểm du lịch đã được TP công nhận (Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá, Kim Lan), Gia Lâm đang tập trung phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, nhằm phát huy những thế mạnh này.

Làng du lịch cộng đồng mang lại hy vọng cho người khuyết tật
Kinhtedothi- “Người khuyết tật hòa nhập trong môi trường du lịch cộng đồng” là mô hình thử nghiệm chưa từng có trên cả nước nhưng mang đầy tính nhân văn, đồng thời mở ra cơ hội về nghề nghiệp cho người khuyết tật.

Hà Nội "bắt tay" Thái Nguyên phát triển du lịch cộng đồng
Kinhtedothi- Để hút du khách đến với Thái Nguyên qua đó hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm OCOP đòi hỏi du lịch Thái Nguyên đẩy mạnh liên kết vùng.