Gấp rút điều chỉnh quy hoạch giao thông Thủ đô

Thạc sĩ Quản lý đô thị  Phan Trường Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch phát triển GTVT TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519).

Sau 6 năm thực hiện, Quy hoạch đã bộc lộ một số vấn đề cần được gấp rút điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.

Định hướng rõ nét

Quy hoạch 519 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong bối cảnh Hà Nội bước vào giai đoạn đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Sau nhiều năm đưa vào thực tiễn, bên cạnh những thành quả rất đáng khích lệ, một số mục tiêu của Quy hoạch 519 chưa đạt được bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.

Ví dụ như quy hoạch mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Hệ thống các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hiện có; mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) mới chỉ có một tuyến được đưa vào khai thác sử dụng (2A Cát Linh - Hà Đông)… Hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống còn thiếu. Đặc biệt, danh mục các dự án đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ theo dự kiến quy hoạch.

Hạ tầng giao thông của Hà Nội ngày càng được đầu tư đồng bộ hiện đại. Ảnh Phạm Hùng
Hạ tầng giao thông của Hà Nội ngày càng được đầu tư đồng bộ hiện đại. Ảnh Phạm Hùng

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả này là do việc triển khai, rà soát, điều chỉnh hai đồ án: Quy hoạch 519 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô bị phụ thuộc lẫn nhau. Dự kiến đến năm 2024 mới có thể hoàn thành được việc rà soát trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Tổng thể đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong khi đó, những vấn đề tồn tại liên quan đến Quy hoạch 519 cần được giải quyết ngay.

Bất cập này đang khiến quá trình đầu tư, nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông bị chậm trễ đáng kể. Nhiều công trình, dự án, do vướng mắc với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô bị chậm tiến độ hoặc chưa điều chỉnh kịp. 

Năm 2022, nhiều nội dung liên quan đến phát triển Thủ đô đã được đặt ra với những định hướng mới. Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội.

TP cần nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài...

Muốn đạt được mục tiêu xây dựng TP đa cực phát triển, Hà Nội trước tiên cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Đồng thời hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, cao tốc, vành đai, đường kết nối nội vùng và liên vùng.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án ĐSĐT; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.

Tương tự, Nghị quyết số 30 - NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định các mục tiêu: Lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch; chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ sông Hồng và các sông lớn trong vùng…

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành

Song song triển khai

Mục tiêu đã được xác định trong các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị là xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP trực thuộc T.Ư, đô thị trung tâm vùng trở thành chuỗi đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình TP trực thuộc TP. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (Loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).

Điều quan trọng trước hết phải làm là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô và phương án thực hiện. UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 13334/VP - ĐT ngày 6/12/2021, thống nhất việc rà soát, điều chỉnh các nội dung bất cập, tồn tại của đồ án quy hoạch GTVT sẽ được thực hiện trong quá trình tổng rà soát, điều chỉnh tổng thể đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Trong bối cảnh thực tiễn cũng như thực trạng giao thông của TP như hiện nay, TP cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ rà soát, điều chỉnh đồ án Quy hoạch 519 để kịp thời cập nhật theo các định hướng mới về phát triển Thủ đô được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Cùng với đó, khớp nối đồng bộ với các đồ án quy hoạch ngành Quốc gia liên quan đến lĩnh vực GTVT do Bộ GTVT lập và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng thể đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, cũng như giải quyết kịp thời các vấn đề tồn tại liên quan đến Quy hoạch 519 cần xem xét, nghiên cứu hướng tách biệt. Nghĩa là điều chỉnh Quy hoạch 519 không lồng ghép mà thực hiện song song với việc rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Nếu tách hai đồ án quy hoạch ra để thực hiện song song sẽ có điều kiện để Hà Nội triển khai nghiên cứu độc lập và chuyên sâu đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, giải quyết được kịp thời những vấn đề tồn tại vướng mắc, cụ thể đã đặt ra hiện nay. Thời gian thực hiện được rút ngắn và không phụ thuộc vào việc phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chung. Kết quả nghiên cứu sẽ được cập nhật, kế thừa vào đồ án quy hoạch chung điều chỉnh cũng như tích hợp vào đồ án quy hoạch TP đang được triển khai. Đặc biệt, giảm tải, rút ngắn thời gian nghiên cứu lập quy hoạch chung điều chỉnh, cũng như quy hoạch TP.

 

Hạ tầng giao thông là tiền đề tối quan trọng để Hà Nội có thể dần hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).