Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gay cấn cuộc đua vào Nhà Trắng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức. Hai ứng cử viên hàng đầu hiện nay gồm Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump vẫn đang tiếp tục nỗ lực thuyết phục cử tri tại các tiểu bang chiến trường.

Các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc đang cho thấy một cuộc đua sít sao giữa hai ứng viên.


Căng đến phút chót

Các nhà nghiên cứu Mỹ thống kê, tính đến ngày 30/10, đã có hơn 57,5 ​​triệu cử tri nước này đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Theo Phòng nghiên cứu bầu cử thuộc Đại học Florida, trong số gần 58 triệu cử tri Mỹ đã bỏ phiếu, hơn 30 triệu người trực tiếp đến các điểm bầu cử sớm và khoảng 27 triệu người chọn hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Nếu như trong tháng 9, các thăm dò cho thấy khả năng 48% số cử tri sẽ bầu cho Phó Tổng thống Kamala Harris (ứng viên đại diện đảng Dân chủ) và 47% cho cựu Tổng thống Donald Trump (ứng viên của đảng Cộng hòa), tỷ lệ này hiện ngang nhau trong kết quả thăm dò toàn quốc do CNN/SSRS thực hiện từ ngày 20 - 23/10, với 47% chia đều cho mỗi bên.

Kết quả thăm dò cũng chỉ ra rằng, phần lớn cử tri (85%) đã xác định ứng cử viên mà họ sẽ ủng hộ từ đầu chiến dịch và chỉ có 15% số cử tri thay đổi quyết định trong quá trình diễn ra, cho thấy sự ổn định trong lựa chọn của các cử tri Mỹ. Chỉ còn 2% vẫn chưa đưa ra quyết định và 9% cho biết có thể thay đổi lựa chọn trước khi bỏ phiếu.

Hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và của đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc tranh luận diễn ra tháng 9/2024. Ảnh: Reuters
Hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump và của đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc tranh luận diễn ra tháng 9/2024. Ảnh: Reuters

Hiện tại, không chỉ trong cuộc thăm dò của CNN, hàng loạt cuộc thăm dò khác đều cho thấy cuộc cạnh tranh đang ở thế giằng co. Bà Harris không thể đột phá hẳn lên trên đường đua tới Nhà Trắng. Một cuộc thăm dò được Reuters/Ipsos công bố hôm 29/10 cho thấy, thế dẫn đầu của bà Harris trước ông Trump đã bị thu hẹp, lần lượt là 44% so với 43%, trong số cử tri đã đăng ký.

Phó Tổng thống Harris đã dẫn trước ông Trump trong mọi cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kể từ khi bà tham gia cuộc đua vào tháng 7, nhưng lợi thế của bà đã giảm dần kể từ cuối tháng 9. Kể từ ngày 1/10 đến nay, lợi thế dường như đang hơi nghiêng về phía ông Trump, dù chưa thực sự rõ ràng

Thách thức đối với bà Harris

Giữa bối cảnh cuộc xung đột tại Trung Đông có nguy cơ lan rộng, Phó Tổng thống Harris đang đối mặt với một loạt thách thức lớn khi phải điều chỉnh thông điệp của mình để phù hợp với tình hình phức tạp hiện tại.

Sự leo thang giữa Israel và Iran đã khiến bà Harris phải làm rõ lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc bảo vệ đồng minh truyền thống, đồng thời không bỏ qua nỗi đau của người dân Gaza. Đây thực sự là một bài toán khó, khi bà không chỉ cần thể hiện sự hỗ trợ cho Israel mà còn phải tìm cách thể hiện lòng cảm thông với những người dân đang phải chịu hậu quả nghiêm trọng từ cuộc xung đột Israel-Hamas.

Bà Harris đã cố gắng vận động cử tri trên nhiều diễn đàn khác nhau, từ các buổi nói chuyện với cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập cho đến các chương trình truyền hình lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với phóng viên Stephen Colbert của đài CNN, ứng viên đảng Dân chủ đã nhấn mạnh rằng Mỹ phải duy trì cam kết của mình đối với Israel, nhưng cũng cần kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cả người dân Gaza. Cách tiếp cận này được xem là một nỗ lực nhằm cân bằng giữa hai bên trong một tình hình đầy căng thẳng, nhưng cũng khiến bà đối mặt với chỉ trích từ cả hai phía.

Theo đó, cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập đã có những phản ứng trái chiều đối với cách tiếp cận của bà Harris. Một số thành viên trong cộng đồng này đã chỉ trích rằng do bà Harris không đủ mạnh mẽ trong việc đề nghị chính quyền Tổng thống Biden thực hiện các biện pháp có sức nặng hơn để ngăn chặn sự leo thang của xung đột.

Một số cử tri trẻ tuổi và nhóm tiến bộ cảm thấy "bị bỏ rơi" bởi những chính sách của chính quyền hiện tại, dẫn đến việc họ chuyển sang ủng hộ các ứng cử viên bên ngoài. Điều này có thể gây bất lợi cho bà Harris trong cuộc bầu cử sắp tới.

Một trong những tổ chức đã lên tiếng mạnh mẽ là "Abandon Harris" khi tuyên bố, nếu bà Harris không thể điều chỉnh chính sách và thông điệp của mình để phản ánh thực tế tại Gaza, họ sẽ phải tìm kiếm các lựa chọn khác trong cuộc bầu cử. Một liên minh gồm những người Mỹ gốc Hồi giáo và Ả Rập hôm 28/10 đã công bố lá thư phản đối gửi tới Phó Tổng thống Harris trước khi bà đến vận động tranh cử tại bang Michigan.

Trong lá thư gửi cho bà Harris, những cử tri Hồi giáo và người Mỹ gốc Ả Rập nói rằng bà đừng bận tâm vì bà "không phải là kẻ xấu ít hơn trong hai kẻ xấu", đồng thời kêu gọi cử tri ủng hộ các ứng cử viên của bên thứ ba, mặc dù không nêu cụ thể bất kỳ ai. Hồi đầu năm nay, tổ chức Abandon Harris đã ủng hộ ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh Jill Stein.

 

Tờ báo Anh Telegraph đánh giá cơ hội chiến thắng bầu cử của ông Trump hiện tại là 66%. Nguyên nhân chính đến từ việc ông Trump đang ngày càng cải thiện vị thế tại 7 bang chiến trường, đặc biệt là Arizona, Nevada, North Carolina và Georgia. Tuy nhiên, để nắm chắc chiến thắng ông Trump cần thêm một bang chiến trường nữa và khả thi nhất là Pennsylvania - nơi có các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ cử tri nghiêng về phía ông Trump. Một số cử tri chưa quyết định, dù số lượng không lớn, cũng bắt đầu nghiêng về phía ông Trump.

Trong khi đó, ông Abdullah Hammoud, thị trưởng người Mỹ gốc Hồi giáo Dearborn - TP có số người Mỹ gốc Ả Rập cao nhất tại bang Michigan - tuần trước đã từ chối ủng hộ bất kỳ ứng viên nào, thay vào đó khuyến khích cư dân “bỏ phiếu theo lương tâm của mình” .

“Tôi không thấy ứng viên nào, đặc biệt là ứng viên đảng Dân chủ của chúng tôi chưa sẵn sàng rời xa con đường hiện tại của Tổng thống Biden, một chính đảng đã không thể ngăn chặn được cuộc diệt chủng ở Gaza và khiến xung đột Israel-Hamas lan đến Lebanon” - ông nói với The Hill trong một cuộc phỏng vấn hôm 23/10.

Ông Trump hiện đang dẫn trước bà Harris với số cử tri Ả Rập trên toàn quốc, 45% so với 43%, theo cuộc thăm dò của Arab News/YouGov công bố tuần trước.

Sẽ xảy ra kịch bản chưa từng có trong gần 4 thập kỷ

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Fox News, chuyên gia khảo sát bầu cử Mitchell Brown cho biết, ở các cuộc bầu cử gần đây, những ứng viên đắc cử tổng thống thường giành chiến thắng ở cả 3 bang chiến lược gồm Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Chẳng hạn, năm 2016, ông Trump giành chiến thắng ở cả 3 bang chiến trường là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, những nơi được coi là "Bức tường Xanh", ám chỉ việc 3 bang này ủng hộ nhiệt thành cho đảng Dân chủ. Đến năm 2020, tới lượt ông Biden giành thắng lợi ở cả 3 bang nói trên.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm nay, chuyên gia Brown nhận định, khả năng không ứng viên nào có thể giành thắng lợi ở cả 3 bang nói trên như kịch bản từng xảy ra vào năm 1988. Khi đó, tại 3 bang chiến lược, ứng viên Cộng hòa Phó Tổng thống George H.W. Bush, thắng ở Michigan và Pennsylvania, còn ứng viên Dân chủ, Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis, thắng ở Wisconsin.

 

Theo bảng dữ liệu được đài truyền hình CNN trích dẫn do Edison Research và Catalist thu thập, cho đến nay, tỷ lệ bỏ phiếu trước Ngày Bầu cử trên toàn quốc giảm đáng kể so với thời điểm này 4 năm trước. Vào thời điểm đó, tổng số phiếu trước bầu cử chiếm hơn 30% trong số khoảng 158 triệu phiếu bầu năm 2020. Trên khắp các bang mà Catalist ghi nhận dữ liệu, phần lớn cử tri đi bỏ phiếu sớm là người lớn tuổi hơn là người da trắng và có nhiều khả năng là người theo đảng Cộng hòa hơn so với thời điểm này 4 năm trước.

Theo tạp chí Newsweek, Pennsylvania được coi là bang chiến trường quan trọng, chứng kiến ông Trump và bà Harris giành giật lá phiếu đại cử tri mang tính quyết định cục diện cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Ứng viên chiến thắng ở bang Pennsylvania sẽ ôm trọn 19 phiếu đại cử tri, cao nhất trong số các bang chiến trường.

Cuộc đua tranh tại bang Pennsylvania năm nay có thể sẽ được định đoạt với khoảng cách chênh lệch sít sao chỉ vài nghìn phiếu phổ thông. Chính vì thế, cả ông Trump và bà Harris đều đã tiến hành rất nhiều chiến dịch vận động tranh cử tại đây. Phần lớn các cuộc thăm dò bầu cử tại bang Pennsylvania đều cho thấy khoảng cách chênh lệch không đáng kể giữa 2 ứng viên ngay cả khi tính đến biên độ sai sót, do đó, kết quả cuối cùng tại bang này nhiều khả năng sẽ được định đoạt bằng việc tung đồng xu.

Con đường rõ ràng nhất để bà Harris giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới sẽ là bà buộc phải thắng ở cả 3 bang “Bức tường Xanh" để ngăn ngừa khả năng có kết quả gây sốc ở những bang khác.

Trong khi đó, con đường hiệu quả nhất để ông Trump thu thập đủ 270 phiếu đại cử tri, qua đó trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ là giành chiến thắng tại North Carolina và Georgia, đồng thời xoay chuyển cục diện ở Pennsylvania.

Với tỷ lệ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ không chênh lệch nhiều trong các cuộc thăm dò dư luận, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay khó đoán định. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vì hai bên đang bám đuổi sít sao cho nên chỉ những thay đổi nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Trong khi đó, chính trường Mỹ luôn tiềm ẩn diễn biến bất ngờ, khó lường, có thể làm lệch cán cân giữa hai ứng cử viên và thay đổi cục diện cuộc đua.

 

Nhà sử học Allan Lichtman - người từng dự đoán chính xác gần như mọi cuộc bầu cử từ năm 1984 - vẫn giữ quan điểm bà Harris sẽ chiến thắng trong cuộc đua Tổng thống năm nay. Trước đó hồi tháng 9, Hãng tin AFP dẫn lời ông Lichtman dự đoán bà Harris sẽ thắng cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Không dựa vào kết quả của các cuộc thăm dò thông thường, ông Lichtman sử dụng phương pháp dự đoán có tên là "Keys to the White House" (Chìa khóa vào Nhà Trắng), gồm 13 mệnh đề đúng/sai, hay còn gọi là chìa khóa mà ông tin rằng sẽ chỉ ra người thắng cử.