Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gazprom sẽ kháng cáo án phạt của Ba Lan đối với Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom vừa có phản ứng gay gắt đối với án phạt của Ba Lan liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.

Gazprom sẽ kháng cáo án phạt của Ba Lan đối với Dòng chảy Phương Bắc 2.
Bộ phận truyền thông của Gazprom ngày 3/8 cho biết tập đoàn này dự định nộp đơn kháng cáo về án phạt của Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng và Cạnh tranh Ba Lan (UOKiK) với lý do nhà thầu chính Nord Stream 2 AG từ chối cung cấp thông tin liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2.
"Sau khi rà soát quyết định chính thức của UOKiK, Gazprom sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ lợi ích của mình, bao gồm cả việc kháng cáo chống lại quyết định trước tòa, nơi mà UOKiK sẽ phải chứng minh lý do đưa ra án phạt này" - thông cáo của Gazprom cho biết.
Gazprom nói rằng, yêu cầu cung cấp thông tin về dự án Dòng chảy Phương Bắc từ cơ quan quản lý chống độc quyền của Ba Lan hoàn toàn không liên quan đến cuộc điều tra chống độc quyền.
Phía Gazprom đã yêu cầu UOKiK đưa ra một lý do hợp pháp về yêu cầu cung cấp thông tin trên, song đến nay tập đoàn năng lượng Nga chưa nhận được phản hồi.
Trước đó, UOKiK đã thông báo phạt tập đoàn khí đốt Gazprom gần 213 triệu Zloty Ba Lan (tương đương khoảng 57 triệu USD) vì không hợp tác trong vụ kiện “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2).
Chủ tịch UOKiK, ông Tomasz Khrustny, cho biết cơ quan này áp đặt án phạt đối với Gazprom do thiếu hợp tác trong cuộc điều tra liên quan đến việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
“Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỷ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell), dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Dự án liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỷ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.