GC Food - nhà sản xuất nha đam, thạch dừa hàng đầu Việt Nam

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ mang đến niềm tin cho người tiêu dùng từ những nông sản sạch, mà hơn thế, Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) còn hồi sinh và nâng tầm vị thế nha đam, thạch dừa Việt trên bản đồ thế giới.

Tiên phong đưa nha đam và thạch dừa lên sàn chứng khoán

Từ một cơ sở kinh doanh nông sản tại Đồng Nai vào năm 2007, GC Food đã trở thành công ty bán nha đam, thạch dừa đầu tiên tại Việt Nam được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food Nguyễn Văn Thứ chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, với mong muốn cung cấp chuỗi “thực phẩm hạnh phúc” cho người tiêu dùng Việt, tôi đã thành lập GC Food, xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản hữu cơ. Trong đó, nha đam và thạch dừa là 2 sản phẩm chủ lực”.

Theo đó, đối với sản phẩm từ cây nha đam, GC Food tập trung phát triển vùng nguyên liệu thông qua liên kết với bà con nông dân để tạo ra những vùng nguyên liệu mới. Không những chỉ ở TP Phan Rang mà còn lan rộng ra các huyện: Thuận Bắc, Thuận Nam của Ninh Thuận.

Cùng với đó, GC Food tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại với thị trường quốc tế như Trung Đông và châu Âu để mở rộng vùng phân phối.

Viet Farm - nhà máy sản xuất nha đam lớn nhất Việt Nam và là “lá cờ đầu” của GC Food. Ảnh: Tiểu Thúy
Viet Farm - nhà máy sản xuất nha đam lớn nhất Việt Nam và là “lá cờ đầu” của GC Food. Ảnh: Tiểu Thúy

Còn đối với sản phẩm thứ hai là thạch dừa chế biến với hơn 80% sản lượng sản xuất phục vụ xuất khẩu, trong đó có những đối tác là những nhà mua hàng lớn trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

“Các sản phẩm nha đam và thạch dừa của GC Food hiện xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Tại thị trường trong nước, GC Food cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các hãng trong ngành F&B lớn như Vinamilk, Nutifood... đồng thời đẩy mạnh bán lẻ với nhiều hệ thống phân phối” - ông Nguyễn Văn Thứ tự hào.

GC Food đang dẫn đầu thị trường Việt Nam về sản phẩm nha đam với sản lượng 15.000 - 17.000 tấn một năm, xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới. GC Food đang chiếm hơn 8% thị phần tại Hàn Quốc và trên 9% ở Nhật Bản. Ba năm tới, công ty đặt mục tiêu chiếm khoảng 15 - 20% thị phần nha đam tại hai quốc gia trên.

Phát triển mạnh mẽ, ngày 20/12/2022, GC Food trở thành DN đầu tiên ở Việt Nam đưa nha đam, thạch dừa lên sàn chứng khoán. Cụ thể, thời điểm đó có 26 triệu cổ phiếu của GC Food lên giao dịch trên sàn UpCOM với mã chứng khoán GCF.

Nói đến quyết định đưa GC Food lên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Văn Thứ khẳng định mục tiêu lớn nhất là để minh bạch hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với cổ đông gồm cả cán bộ, công nhân viên và nhà đầu tư bên ngoài, với các khách hàng, đối tác. Đồng thời, đây còn là cơ hội để DN huy động thêm nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, mở rộng phát triển trong các giai đoạn tiếp theo.

Góp mặt vào thị trường nông sản toàn cầu

Xác định kinh tế xanh là hướng đi lâu dài và bền vững của DN, GC Food đẩy mạnh triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất theo định hướng nông nghiệp hữu cơ.

“Trong tình hình người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm không an toàn, việc phát triển kinh tế xanh, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn là bước đi cần thiết và quan trọng mà GC Food đang thực hiện” - ông Nguyễn Văn Thứ nói.

Chủ tịch GC Food nhấn mạnh, với trang trại Nắng và Gió, công ty đang xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài 2 sản phẩm chủ lực là nha đam và thạch dừa, GC Food cũng đang sản xuất và cung ứng nhiều loại trái cây tươi như dưa lưới, dưa huỳnh long, nho, táo, ổi… Đồng thời, công ty cũng đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi hiện đại với nhiều đối tượng vật nuôi như bò, cừu, dê… và phát triển hệ thống nhà yến.

Thuyền trưởng của GC Food bày tỏ tin tưởng, về chất lượng, nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng Thái hay bất cứ nước nào trên thế giới. “Đặc biệt, nông sản của Việt Nam còn hưởng lợi lớn về thuế suất ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi ông bạn láng giềng là Thái Lan chưa có” - ông Nguyễn Văn Thứ phân tích.

Đến nay, ngoài hai thị trường truyền thống, GC Food định hướng mở rộng thêm ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc và châu Âu. Trước mắt, Đông Âu - khu vực có thói quen dùng nha đam gần giống châu Á - sẽ là thị trường mà GC Food chú trọng. Nếu thành công, đây sẽ là thị trường đóng góp 15 - 20% tổng doanh thu trong giai đoạn 2023 - 2025.

“Trình độ sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm của Việt Nam đã nâng cao đáng kể trong 10 năm qua. Nếu như trước đây, các nhà nhập khẩu chủ yếu tìm đến Việt Nam để mua nguyên liệu thì nay đã mua thành phẩm. Uy tín của nông sản Việt tăng lên, mở ra cơ hội rất lớn cho các DN như GC Food định vị thương hiệu DN Việt trên bản đồ nông sản thế giới” - Chủ tịch GC Food Nguyễn Văn Thứ kỳ vọng.