Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ghìm cương giá vàng, chỉ đấu thầu đã đủ

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp nhiều thông điệp để ổn định thị trường trước cơn phi mã giá vàng, đặc biệt là thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng. được kỳ vọng sẽ kéo gần khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, hạ nhiệt hàng hóa đặc biệt này.

Dù việc đấu thầu là giải pháp trước mắt và phù hợp, tuy nhiên, theo các chuyên gia, có giải pháp để mở, đồng thời kiểm soát nhập khẩu vàng, tính toán thành lập Sàn giao dịch vàng mới là giải pháp dài hơi.

Vàng được coi là “nơi trú ẩn” của dòng tiền mỗi khi các kênh đầu tư khác có vấn đề. Trước các phức tạp của tình hình thế giới, giá vàng quốc tế và trong nước đã đồng loạt “lên đồng”. Chỉ trong gần 4 tháng, giá vàng thế giới đã tăng tới 16%, còn giá vàng nhẫn trong nước cũng đã tăng 25% so thời điểm cuối năm 2023. Vàng miếng SJC có thời điểm chạm sát mốc 85 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn SJC đạt ngưỡng 79 triệu đồng/lượng. Tình trạng khan hàng, thậm chí “cháy hàng”, bán ra với số lượng hạn chế… diễn ra tại một vài thời điểm.

Để ghìm cương thị trường vàng, tuần này, NHNN đã phát đi thông điệp về việc hoàn tất công tác chuẩn bị tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn để gia tăng nguồn cung, kéo gần chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Mục tiêu đấu thầu vàng miếng là nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng vàng miếng trong nước và vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường này hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Động thái này theo các chuyên gia là kịp thời, phù hợp bối cảnh thực tế của thị trường vàng trong nước. Bởi hiện tại chưa phải thời điểm ngay lập tức thực hiện thương mại hóa thị trường vàng như xu hướng một số quốc gia trên thế giới thực hiện.

Việc “thả nổi” giá vàng theo biến động của thị trường sẽ kéo theo sự biến động của một số ngoại tệ quan trọng như USD do mối gắn kết khá chặt chẽ của các loại hàng hóa đặc biệt này. Mặt khác, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP sau hơn 10 năm triển khai về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã hoàn thành sứ mệnh. Tuy nhiên, để có một văn bản pháp luật thay thế Nghị định 24 thì phải cần thời gian tính toán cặn kẽ, phù hợp. Vì thế, các giải pháp mang tính tình thế như đấu thầu vàng là cần thiết.

Về dài hạn, các chuyên gia cho rằng, chỉ đấu thầu vàng miếng là chưa đủ để thị trường vàng phát triển bền vững, đúng nguyên tắc kinh tế thị trường. Muốn xóa bỏ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới phải dùng các biện pháp thương mại, chứ không chỉ là biện pháp tiền tệ như đấu thầu vàng miếng.

Thực tế, năm 2013, với 76 phiên đấu thầu vàng được tổ chức, cung ứng gần 70 tấn vàng ra thị trường cũng với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, đến nay, chênh lệch không những không giảm mà còn tăng lên trên 20 triệu đồng/lượng.

Giải pháp được các chuyên gia đề xuất là cơ quan quản lý nên cho phép một số công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện, tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng và quản lý thuế lĩnh vực này hiệu quả. Ngoài ra, xóa bỏ độc quyền trong nhập khẩu và kinh doanh mua, bán vàng miếng cũng là một giải pháp bảo đảm công bằng, minh bạch thị trường vàng. Đồng thời, có giải pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời sự mất cân đối cung - cầu hay những “cơn sốt” giá bất thường. Trong đó, điều tiên quyết là phải xây dựng được một hành lang pháp lý đủ rộng, đủ công cụ và khả năng quản lý thị trường quan trọng này.