Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang:

Gia cố đê hữu Thương, di dời người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Do ảnh hưởng bởi bão số 3, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông trên địa bàn huyện Yên Thế (Bắc Giang) dâng cao.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện tăng cường kiểm tra, yêu cầu các địa phương ứng trực, có phương án di dời người, tài sản. Được biết, từ đêm 8/9, rạng sáng 9/9, mực nước trên sông Thương, sông Sỏi dâng cao, tràn vào nhà dân và ngập một đoạn đường, diện tích hoa màu tại các xã: Đông Sơn, Tân Sỏi và thị trấn Bố Hạ.

Nước sông Thương dâng cao khiến đoạn đường từ xã Đông Sơn đi Trường Cao đẳng nghề Đông Bắc (Lạng Sơn) bị chia cắt.
Nước sông Thương dâng cao khiến đoạn đường từ xã Đông Sơn đi Trường Cao đẳng nghề Đông Bắc (Lạng Sơn) bị chia cắt.

Với tinh thần chủ động, thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”, các xã, thị trấn huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện hỗ trợ các hộ đưa trẻ nhỏ, người già và tài sản đến nơi an toàn.

Tại thị trấn Bố Hạ, mực nước sông Thương dâng cao trên báo động 3 đã ảnh hưởng đến 50 hộ dân sống ở ngoài đê thuộc các tổ dân phố: Liên Tân và Tân Xuân; hơn 20 ha lúa, hoa màu bị ngập. Ngay đầu giờ sáng 9/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn đã tuyên truyền, hỗ trợ các hộ di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng và người dân gia cố đê hữu Thương, đoạn qua thị trấn Bố Hạ.
Lực lượng chức năng và người dân gia cố đê hữu Thương, đoạn qua thị trấn Bố Hạ.

Tại đoạn đê hữu Thương, đoạn giáp ranh giữa tổ dân phố Liên Tân và Tân Xuân, nước dâng cao, nguy cơ tràn qua, ảnh hưởng đến gần 100 hộ dân cùng hơn 200 ha lúa, hoa màu, ao nuôi thủy sản.

Để chủ động phòng ngừa, từ 7 giờ sáng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân và người dân cùng hàng nghìn cọc gỗ, bao tải gia cố thân đê. Đến 11 giờ ngày 9/9, các lực lượng đã đào đắp hơn 100 m3 đất gia cố đê.

Tại xã Đông Sơn, mực nước sông Thương dâng cao nên đoạn đường từ xã Đông Sơn đi Trường Cao đẳng nghề Đông Bắc (Lạng Sơn) bị ngập 3 đoạn. Hiện địa phương đã tổ chức di dời 6 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng chốt chặn, không cho người dân đi qua.

Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, canh gác tại đoạn đường bị ngập.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, canh gác tại đoạn đường bị ngập.

Tại xã Tân Sỏi, mực nước sông Sỏi dâng cao đã ảnh hưởng đến 18 hộ dân sống ngoài đê tại thôn Yên Cực. Đến 11 giờ ngày 9/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã huy động hơn 30 dân quân hỗ trợ đưa 20 trẻ nhỏ, người già đến nơi an toàn. Hỗ trợ hộ ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1971) di chuyển 15 con lợn, hộ ông Nguyễn Văn Nhiệm (SN 1986) di chuyển hơn 400 con gà đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Tân Sỏi cho biết: “Hiện chúng tôi yêu cầu các thôn tổ chức lực lượng canh trực tại 6 cống qua đê hữu sông Sỏi. Yêu cầu lực lượng dân quân ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các hộ di chuyển tài sản nếu mực nước tiếp tục dâng cao”.

Trong sáng 9/9, đồng chí Đào Duy Trọng, Bí thư Huyện ủy Yên Thế kiểm tra việc khắc phục hậu quả cũng như triển khai các giải pháp ứng phó khi mực nước các sông dâng cao tại các xã: Đông Sơn, Tân Sỏi và thị trấn Bố Hạ.

Đồng chí Đào Duy Trọng (thứ hai từ trái qua), Bí thư Huyện ủy Yên Thế kiểm tra thực tế tại đê sông Sỏi qua địa bàn thôn Yên Cực, xã Tân Sỏi.
Đồng chí Đào Duy Trọng (thứ hai từ trái qua), Bí thư Huyện ủy Yên Thế kiểm tra thực tế tại đê sông Sỏi qua địa bàn thôn Yên Cực, xã Tân Sỏi.

Qua nắm bắt thực tế, đồng chí đề nghị các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra các khu vực ngập lụt, các điểm xung yếu, đặc biệt là khu vực các xã có đê, các xã dọc theo hệ thống sông Thương, sông Sỏi. Chuẩn bị mọi điều kiện để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra; tăng cường thông tin trên hệ thống truyền thanh của xã để nhân dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó kịp thời.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Yên Thế, do ảnh hưởng bởi bão số 3, đến sáng 9/9, toàn huyện có 670 ha lúa, 75 ha ngô, hoa màu và 410 ha cây lâm nghiệp bị đổ, gãy. Chính quyền địa phương đã huy động hàng nghìn lượt người hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả, từng bước ổn định cuộc sống.