Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 25/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 113,17 USD/thùng, giảm 0,11 USD/thùng trong phiên. So với cùng thời điểm ngày 24/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2022 đã giảm tới 2,8 USD/thùng.
Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 118,49 USD/thùng, giảm 0,54 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 4,32 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 24/3.
Phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường ghi nhận thông tin Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang âm thầm mua vào một lượng lớn dầu giá rẻ của Nga đẩy giá dầu ngày 25/3 giảm mạnh.
Theo Bloomberg, thay vì tham gia các phiên đấu thầu để mua loại dầu Urals, các hãng lọc dầu Trung Quốc đang đàm phán riêng với bên bán. Thậm chí, ngay cả các công ty tư nhân cũng đang âm thầm mua lượng lớn dầu giá rẻ từ Nga.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, tính đến nay Ấn Độ đã mua ít nhất 13 triệu thùng dầu Urals của Nga. Indian Oil mới mua thêm 3 triệu thùng nữa trong đợt đấu thầu mới nhất
Giám đốc Đầu tư tại Pickering Energy Partners Daniel Pickering cho biết, ước tính hiện có khoảng 2 – 3 triệu thùng dầu Nga bị đóng băng trên thị trường và không có người mua. Tuy nhiên, theo thời gian, ông tin rằng sẽ có thêm các quốc gia khác theo chân Trung Quốc, Ấn Độ để tranh thủ mua dầu giá rẻ từ Nga.
Giá dầu hôm nay giảm mạnh còn do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh tình hình bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực và lạm phát tăng cao đang đe doạ đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đã có không ít cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế được giới chuyên gia đưa ra khi nhiều loại mặt hàng năng lượng, hàng hoá tiêu dùng tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung.
Ngoài ra, việc đồng USD mạnh hơn cũng như việc các nước EU đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung năng lượng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga cũng tạo sức ép không nhỏ lên giá dầu.
Ngược lại, giá dầu hôm nay cũng đang được hỗ trợ bởi lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung thêm trầm trọng nếu như Nga bắt buộc một số nước phải thanh toán bằng đồng Rúp cho các hợp đồng cung cấp khí đốt.