Ngay đầu phiên giao dịch, giá dầu Brent đã leo dốc 4,6% lên mức 61,42 USD/thùng nhờ sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, sự sụt giảm sản lượng trong tháng 12/2018 của các nhà sản xuất chủ chốt và sự suy yếu của dự trữ dầu thô tại Mỹ.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng mạnh, ghi nhận phiên tăng thứ 8 liên tiếp lên mức đóng cửa cao nhất trong gần 4 tuần.
“Sự hỗ trợ cho thị trường năng lượng đến từ việc Ả Rập Saudi giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô còn lớn hơn cả thỏa thuận cắt giảm của các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh và triển vọng Mỹ-Trung đạt được một thỏa thuận thương mại”, James Williams - chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics nhận định và cho biết: “Một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc và đẩy nhu cầu dầu tăng cao”.
Hôm 9/1, tờ Financial Times đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih tuyên bố sẽ “ổn định” thị trường dầu mỏ và cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước trong và ngoài OPEC đã bắt đầu phát huy kết quả.
Theo kết quả cuộc thăm dò từ Platts công bố hôm 8/1 cho thấy sản lượng dầu OPEC giảm 630.000 thùng/ngày xuống đáy 6 tháng là 32,43 triệu thùng trong tháng 12/2018.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/1, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng vọt 2,58 USD (tương đương 5,2%) lên 52,36 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 13/12/2018. Hiện dầu WTI đã leo ra khỏi thị trường “con gấu” (đầu cơ giá xuống), tăng 23% từ mức đáy 52 tuần là 42,53 USD/thùng ghi nhận trong ngày 24/12/2018.
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng nhích 2,72 USD (tương đương 4,6%) lên 61,44 USD/thùng, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ giữa tháng 12/2018.
Phiên giao dịch ngày 9/1 đã nới rộng chuỗi leo dốc cho cả dầu WTI và dầu Brent sang phiên thứ 8 liên tiếp, chuỗi tăng giá dài nhất trong 18 tháng.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã kết thúc hôm 9/1 sau khi được kéo dài sang ngày thứ ba. Thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc, trong đó các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhảy vọt. Hãng tin Bloomberg cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mong muốn hoàn thành một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc nhằm thúc đẩy thị trường tài chính, vốn đã chao đảo một phần do lo ngại xung quanh cuộc chiến thương mại.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu tại Mỹ sụt giảm cũng góp phần vào tâm lý tích cực trên thị trường. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 9/1 cho biết nguồn cung dầu thô nội địa giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 4/1, cao hơn dự báo sụt 1,4 triệu. thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Dự trữ các sản phẩm xăng dầu cũng tăng hơn gấp đôi so với dự báo của thị trường. Theo báo cáo của EIA, dự trữ xăng vọt 8,1 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sàn phẩm chưng cất leo dốc 10,6 triệu thùng. Trong khi đó, cuộc thăm dò của Platts lại cho thấy dự báo nguồn cung xăng tăng 4,2 triệu thùng, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 4,3 triệu thùng.