Giá “vàng đen” tăng mạnh trong phiên 20/3 đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái sau khi số liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô nội địa sụt gần 10 triệu thùng.
Thị trường dầu mỏ giao dịch khởi sắc từ đầu tuần đến nay, chủ yếu nhờ kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, ít nhất cho đến tháng 6/2019.
Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã leo dốc tới 32% và giá dầu Brent đã tăng 27% nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC và các nhà sản xuất chính, dẫn đầu là Nga, cũng như sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, trong phiên này, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu dừng tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 20/3 cũng có tác dụng hỗ trợ giá dầu.
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày 20/3, FED gợi ý sẽ không nâng lãi suất trong năm nay và chỉ có 1 đợt nâng lãi suất vào năm 2020. Tuy nhiên, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác quay đầu suy yếu sau thông báo trên, qua đó góp phần hỗ trợ các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 20/3, giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 80 xu Mỹ (tương đương 1,4%) lên 59,83 USD/thùng, sau khi nhảy vọt tới 60,12 USD/thùng. Mức đỉnh trong phiên và giá dầu Brent chốt phiên này đã ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Trong khi đó, giá dầu Brent cũng tăng mạnh tới 89 xu Mỹ (tương đương 1,3%) lên 68,50 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11/2018.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ tích cực sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa sụt 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 15/3/2019. Số liệu này cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 2,1 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API), nhưng trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 1 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
James Williams - chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, cho hay: “2/3 đà giảm mạnh của dự trữ dầu thô là do xuất khẩu tăng cao, với 3,392 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục thứ 2. Ngoài ra, hoạt động lọc dầu tăng 1,3% và thông thường hoạt động này vẫn đang giảm vào thời điểm này trong năm do mùa bảo dưỡng nhà máy lọc dầu”.
Ngoài ra, EIA cũng cho biết nguồn cung xăng giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 4,1 triệu thùng. Cả 2 mặt hàng này đều cao hơn dự báo giảm 2,1 triệu thùng xăng và sản phẩm chưng cất từ cuộc thăm dò của Platts.
“Giá dầu chủ yếu nhận được lực đẩy từ động thái tiếp tục cắt giảm nguồn cung của các nước trong và ngoài OPEC cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, mặc dù đà tăng vẫn bị kìm hãm bởi những lo ngại của thị trường về tăng trưởng kinh tế”, Dean Popplewell - chuyên gia phân tích của Oanda, nhận định.
Trước đó, tại cuộc họp tổ chức ngày 18/3, Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC), một nhóm chuyên giám sát chính sách sản xuất bao gồm Ả Rập Saudi và Nga, cho biết, “sự tuân thủ chung” thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ đầu năm nay của các thành viên trong và ngoài OPEC đã tăng từ 83% trong tháng 1/2019 lên gần 90% trong tháng 2/2019.
Từ đầu tháng 1 năm nay, các nước OPEC đã cắt giảm 800.000 thùng/ngày từ mức sản lượng tháng 10/2018 đến tháng 6/2019, còn Nga cùng với các nhà sản xuất đồng minh khác cắt giảm 400.000 thùng/ngày với tổng mức cắt giảm là 1,2 triệu thùng/ngày.