Trong thông báo mới nhất, Cơ quan nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Mỹ (BofA) hôm 22/2 cho biết giá dầu Brent có thể tăng từ 5- 20 USD/ thùng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Theo ngân hàng BofA, giá “vàng đen” cũng có thể giảm từ 2-4 USD/thùng nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine hạ nhiệt. Ngân hàng BofA dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức 120 USD/thùng vào giữa năm 2022, đồng thời nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sẽ tăng đột biến khoảng 3,6 triệu thùng/ngày, lên tổng cộng gần 101 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Cũng có đánh giá tương tự, báo cáo dữ liệu kinh tế vĩ mô của ngân hàng Mỹ J.P. Morgan dự đoán: “Cuộc xung đột Moscow-Kiev dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Nga có thể đẩy giá dầu vượt mức 100 USD, thậm chí tăng vọt lên tới 120 USD/thùng ngay cả khi Mỹ và Iran đạt thỏa thuận về việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran”.
David Roche, chủ tịch và chiến lược gia toàn cầu của Independent Strategy, nói với CNBC rằng giá dầu sẽ “chắc chắn” sẽ leo lên 120 USD/thùng nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraine phần nào thúc đẩy đà leo dốc của giá dầu do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng khi nhu cầu hồi phục sau đại dịch Covid-19. Nguồn cung đã lớn hơn so với cầu, vì vậy các công ty dầu khí đã rút hết hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu.
Bà Sugandha Sachdeva, quan chức cấp cao của tổ chức nghiên cứu tiền tệ và hàng hóa Religare Broking cho rằng giá dầu có thể tăng cao hơn, khi rủi ro địa chính trị gia tăng và có thể cán mốc 105 USD/thùng trong những ngày tới.
Giá dầu thế giới đã nhảy vọt lên 99,50 USD/thùng trong phiên 22/2, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 sau khi Nga điều quân đến hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Chốt phiên giao dịch này, giá dầu Brent cộng 2,24%, lên mức 97, 53 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất trong 7 năm là 97,66 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ cũng chạm mức cao của 7 năm là 96 USD/thùng, trước khi khép phiên ở mức 94,67 USD/thùng, tăng 3,95% so với ngày 19/2. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ hôm 21/2.
Mỹ và Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga, trong khi Liên minh châu Âu đưa thêm nhiều chính trị gia vào danh sách đen. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt đầu tiên vào Nga, nhắm vào các ngân hàng của Nga, đồng thời cam kết sẽ trừng phạt mạnh hơn nếu Nga tiếp tục các hành động làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Ukraine. Các biện pháp trừng phạt không bao gồm nguồn cung cấp năng lượng.
Giá dầu liên tục leo dốc kể từ đầu năm nay do nhu cầu phục hồi mạnh trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, chỉ đồng ý tăng sản lượng “nhỏ giọt” bất chấp lời kêu gọi tăng mạnh nguồn cung từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 2/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết: “Giá dầu thô đã tăng hơn 15% trong tháng 1 và lần đầu tiên vượt ngưỡng 90 USD/thùng sau hơn 7 năm. Các kho dự trữ dầu toàn cầu ở mức thấp nhất trong nhiều năm và công suất dự phòng của OPEC+ đang giảm khiến nguồn cung bị đe dọa nghiêm trọng”.
Trong khi đó, Nigeria ngày 22/2 vẫn giữ quan điểm của OPEC+ rằng không cần thêm nguồn cung, với lý do có triển vọng sản xuất nhiều hơn từ Iran nếu thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc trên thế giới được khôi phục.
Nhóm OPEC+ sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 2/3 để quyết định về mức tăng sản lượng trong tháng 4 tới. Trước đó, phát biểu tại một hội nghị dầu mỏ ở Riyadh hôm 20/2, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói rằng OPEC+ sẽ thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách năng lượng. "Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng, song vẫn linh hoạt trong chiến lược điều hành sản lượng nhằm ổn định thị trường trong dài hạn", Hoàng tử Abdulaziz nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar hôm Chủ nhật nói rằng nhóm OPEC+ nên tuân theo thỏa thuận sản lượng hiện tại để tránh gây xáo trộn.