Giá dầu biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 12/9 khi bối cảnh nguồn cung được dự đoán sẽ thắt chặt sau số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm và thời điểm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đang đến gần.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 23 xu Mỹ xuống còn 78,83 USD/thùng sau khi đã chạm mức đỉnh trong phiên lên tới 79,66 USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 khi giá dầu vượt ngưỡng trên 80 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 35 xu Mỹ lên mức 69,60 USD/thùng.
Gordon Gray - Trưởng phòng nghiên cứu về dầu khí toàn cầu của ngân hàng HSBC nhận định: "Chúng tôi cho rằng nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu đang ngày càng hỗ trợ giá dầu, ít nhất là trong thời điểm hiện tại".
“Chúng tôi chưa chắc chắn rằng giá dầu Brent có thể leo lên mức 100 USD/thùng, song chúng tôi nhận thấy thị trường dầu đang tiềm ẩn rủi ro này. Trên thực tế, mặc dù nguồn cung toàn cầu đã được bổ sung thêm từ các nhà sản xuất dầu chủ chốt như Ả Rập Saudi, song mức dự phòng còn lại thấp, điều này khiến cho nguồn cung dầu thế giới sẽ bị gián đoạn khi có bất kỳ yếu tố nào tác động đến sản lượng dầu toàn cầu”.
Viện Xăng dầu Mỹ (API) ngày 11/9 cho biết, lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 8,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/9 xuống còn 395,9 triệu thùng. Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) giảm dự báo về mức tăng trưởng sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm 2019.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 11 tới.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 12/9 cũng cảnh báo về tác động của lệnh trừng phạt này, cho rằng đây là một bất ổn lớn đối với thị trường dầu.
"Đây thực sự là một sự bất ổn trên thị trường dầu, bởi đến thời điểm đó, các nước hiện đang mua gần 2 triệu thùng dầu/ngày của Iran, sẽ phải đưa ra quyết định. Việc này sẽ cần phải được theo dõi chặt chẽ và các quyết định đúng đắn cũng được thực hiện” - ông Novak nói thêm.
Bộ trưởng Novak cũng cho rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu đang rất "mong manh" do rủi ro địa chính trị và gián đoạn nguồn cung.