Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong 13 năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu tuần qua trải qua các phiên tăng giảm đan xen, song tính chung cả tuần, giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI đều tăng lần lượt 1,2% và 2%, trong đó giá dầu Brent có mức tăng quý III cao nhất kể từ năm 2004.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới tăng hơn 3%. Đặc biệt, giá dầu Brent chạm đỉnh trong hơn 2 năm qua sau khi các nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhận định rằng thị trường năng lượng toàn cầu đang hướng tới tái cân bằng.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 26/9, giá dầu quay đầu giảm, do các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời sau khi giá vọt lên mức cao trong phiên trước.
Bước sang phiên giao dịch ngày 27/9, giá dầu Brent và ngọt nhẹ WTI biến động trái chiều, sau khi lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm xuống. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 1,8 triệu thùng trong tuần trước, ngược lại với dự đoán tăng 3,4 triệu thùng trước đó. 
Dầu thô có quý leo dốc đầu tiên trong năm với gần 11%.
Sang phiên giao dịch ngày 28/9, giá dầu thế giới lại giảm khoảng 1%, do hoạt động bán ra kiếm lời của giới đầu tư.
Trong 14 phiên giao dịch vừa qua, giá dầu WTI và dầu Brent đã lần lượt tăng 9% và 7%, trong bối cảnh thị trường kỳ vọng nhu cầu dầu thô hồi phục do các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã hoạt động trở lại sau cơn bão Harvey.
Gần đây, giá dầu cũng nhận được hỗ trợ từ nỗ lực không ngừng của Nhóm Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm cắt giảm 2% sản lượng toàn cầu với sự giúp đỡ của các nhà sản xuất ngoài tổ chức như Nga.
Giá dầu đóng cửa trong phiên giao dịch cuối tuần qua tăng do sự mất ổn định địa chính tại tại Kurdistan, Iraq, dầu Brent đạt mức tăng mạnh nhất trong quý III kể từ năm 2004.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ, đồng thời ghi nhận quý tăng đầu tiên trong năm 2017, khi nhà đầu tư xem xét khả năng các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc trưng cầu dân ý về độc lập ở khu vực nhiều dầu mỏ của người Kurd tại Iraq.
Giá dầu Brent tăng 13 xu Mỹ, hay 0,2% lên 57,54 USD/thùng, với mức tăng trưởng trong quý III khoảng 20%. Trong tuần này, dầu Brent tăng 1,2%. Hợp đồng này đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm hồi đầu tuần này, dẫn tới sự tăng giá tuần thứ 5 liên tiếp. Đây là tuần tăng giá mạnh nhất của dầu Brent kể từ tháng 6/2016.
Dầu thô ngọt nhẹ WTI cộng thêm 11 xu Mỹ, lên 51,67 USD/thùng, tăng giá trong quý III mạnh nhất trong 10 năm và chuỗi tăng giá hàng tuần dài nhất kể từ tháng 1. Loại dầu này tăng khoảng 2% tính chung trong tuần.
Matt Smith - giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData cho biết “lo ngại lớn hơn đối với dầu mỏ là khu vực Kurdish”.
Các cử tri người Kurd đã bỏ phiếu ủng hộ việc tách ra khỏi Iraq hôm 25/9 vừa qua. Kết quả này có thể dẫn đến phản ứng thù địch từ Chính phủ Iraq, cũng như từ các nước láng giềng và làm gián đoạn kim ngạch xuất khẩu dầu của người Kurd qua cảng Thổ Nhĩ Kỳ lên đến 500,000 thùng/ngày.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đe dọa chỉ giao dịch với chính quyền Baghdad về xuất khẩu dầu mỏ từ Iraq.
Helima Croft - Giám đốc hàng hóa tại RBC Capital Markets, nhận định: “Nếu Tổng thống Erdogan nghiêm túc về lời đe dọa này, thì chúng ta sẽ thấy giá dầu tăng cao hơn”.
Enrico Chiorando, chuyên gia phân tích tại Love Energy, nhận định: “Một cuộc giằng co đang phát triển trở lại, lần này là giữa mối đe dọa nguồn cung ở miền bắc Iraq và đà tăng của sản lượng tại Mỹ. Sản lượng dầu từ đá phiến đang leo dốc và sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá dầu, sau khi dầu Brent ghi nhận 5 tuần tăng giá liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6/2016”.
Dữ liệu của Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 6 giàn lên 750 giàn trong tuần này, ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần.