Thị trường năng lượng giao dịch ảm đạm trong ngày 7/8, sau khi sụt nhẹ ở phiên trước đó do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ phục hồi chậm lại giữa bối cảnh bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các thương nhân nước này làm ăn kinh doanh với các công ty chủ quản của các nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc như TikTok và WeChat, trong đó ông viện dẫn những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Quyết định trên, có hiệu lực sau 45 ngày, được dự báo càng làm gia tăng cuộc tranh chấp công nghệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, đồng thời đưa mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung leo một nấc thang mới.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 13 xu Mỹ, tương đương 0,3% xuống 44,96 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 13 xu Mỹ xuống 41,82 USD/thùng.
Bên cạnh đó, tâm lý của các thương nhân trong phiên này còn bị tác động bởi việc các nhà lập pháp Mỹ vẫn chưa thống nhất được về gói kích thích kinh tế mới khi tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 mới chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 vẫn là lực cản lớn đối với đà đi lên của giá dầu, bởi đây là một trong những yếu tố tác động tới tốc độ phục hồi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng ở một số bang của Mỹ, bao gồm Colorado, Ohio và Virginia.
Giới đầu tư dầu mỏ cũng đang theo dõi sự tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ về gói kích thích mới đối phó đại dịch Covid-19.
Ngày 6/8, Tổng thống Donald Trump cho hay ông sẵn sàng sử dụng quyền hành pháp để gia hạn một số điều khoản trong gói cứu trợ khẩn cấp cho người dân Mỹ vốn đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhà phân tích Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM nhận xét:: “Thị trường năng lượng đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế mới trị giá tới 1.000 tỷ USD. Việc Quốc hội Mỹ không thông qua gói hỗ trợ mới sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Mỹ vốn đang phục hồi chậm và triển vọng nhu cầu dầu còn yếu”.
Tuy nhiên, hai loại dầu chủ chốt này vẫn hướng đến mức tăng khoảng 4% trong tuần qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 3/7.
Nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về việc làm tháng 7/2020 từ Bộ Lao động Mỹ, dự kiến sẽ được công bố trong ngày hôm nay, với dự báo rằng số việc làm được tạo mới trong tháng 7 vừa qua sẽ thấp hơn tháng trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát.
Đồng USD yếu hơn đã giúp hỗ trợ giá dầu bởi các hàng hóa được định giá bằng "đồng bạc xanh" sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, trong ngày 6/8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.