Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu giảm gần 1% khi dịch Covid-19 bùng phát khắp châu Âu, tăng chóng mặt tại Mỹ

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt nhẹ trong phiên 16/10 do lo ngại nhu cầu năng lượng sụt giảm khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại châu Âu và nhiều bang của Mỹ.

Giá dầu suy yếu trong phiên giao dịch cuối tuần khi giới đầu tư gia tăng quan ngại rằng các nhà sản xuất dầu mỏ lớn sẽ nâng sản lượng từ đầu năm 2021 dù diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại châu Âu và Mỹ đang đe dọa triển vọng phục hồi nhu cầu đối với “vàng đen”.
Giá dầu sụt nhẹ trong phiên 16/10.
Cụ thể, giá dầu Brent sụt 12 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 42,94 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 11 mất 16 xu Mỹ, tương đương 0,4% xuống 40,8 USD/thùng. Mặc dù suy yếu trong phiên này, giá dầu đang trên đà có tuần tuần leo dốc liên tiếp.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng đang chịu sức ép lớn do làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai diễn ra ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới như: Mỹ, Ấn Độ và châu Âu.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến sáng 16/10, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 39 triệu trường hợp và hơn 1,1 triệu ca tử vong.
Số ca mắc Covid-19 tính theo ngày trên thế giới đã tăng lên mức kỷ lục hơn 330.000 ca. Dịch bệnh bùng phát trở lại khắp châu Âu và lây lan với tốc độ chóng mặt tại Mỹ, buộc nhiều quốc gia phải tái áp đặt biện pháp phong tỏa.
Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 8,2 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 220.000 người tử vong. Wisconsin và các bang khác ở Trung Tây nước Mỹ đang phải gồng mình đối phó với sự gia tăng số ca mắc Covid-19, với số ca mắc mới và nhập viện tăng lên mức kỷ lục.
Nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, buộc chính quyền nhiều nước phải thực thi lệnh phong tỏa một phần, giảm hoạt động kinh tế, cán cân cung cầu trên thị trường sẽ tiếp tục chịu thêm nhiều sức ép. Điều này cũng là thách thức không nhỏ đối với nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, để giảm tình trạng dư cung toàn cầu.
OPEC mới đây đã buộc phải điều chỉnh dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu theo hướng giảm 400.000 thùng/ngày, xuống mức trung bình 90,2 triệu thùng/ngày cho cả năm 2020.
Đại diện các nước OPEC+ sẽ đối mặt với quyết định khó khăn tại cuộc gặp cấp bộ trưởng của Nhóm diễn ra từ 30/11 - 1/12 tới.
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng, nhóm OPEC+ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy kế hoạch tăng sản lượng dầu khai thác, nếu không muốn đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung. Theo các nhà phân tích tại ING, nhóm OPEC+, hay ít nhất là Ả Rập Saudi, có thể cân nhắc kế hoạch nới lỏng mức cắt giảm sản lượng từ 7,7 triệu thùng/ngày xuống 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.
Hiroyuki Kikukawa - giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Nissan Securities, nhận xét: “Thị trường đang đổ dồn vào quyết định chính sách của nhóm OPEC+ từ tháng 1/2021. Tuy nhiên, đợt bùng phát mạnh dịch Covid-19 tại châu Âu và nhiều bang của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tiếp tục suy yếu”.
Một số nước châu Âu đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm và phong tỏa một phần để hạn chế dịch Covid-19, trong đó Anh sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn tại thủ đô London từ ngày 16/10.
“Giá dầu khó có thể phục hồi mạnh trong ngắn hạn khi thị trường  còn chưa chắc chắn về chính sách điều hành sản lượng của OPEC+ cùng với tâm lý thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ” - chuyên gia Kikukawa cho hay.