Giá “vàng đen” quay đầu đi xuống sau khi leo dốc mạnh ở phiên trước đó mặc dù nhu cầu thị trường đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, giá dầu Brent hạ 50 xu Mỹ, tương đương 1,2%, xuống 40,68 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng mất 50 xu Mỹ, tương đương 1,3%, còn 38,44 USD/thùng.
Giá 2 mặt hàng dầu chủ chốt này đều tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng trong phiên ngày 8/6. Giá dầu tiếp tục đi lên khi chốt phiên ngày 9/6 khi các biện pháp phong tỏa sau dịch Covid-19 đang dần được dỡ bỏ trên toàn cầu đã gia tăng kỳ vọng cho sự phục hồi nhanh chóng của nhu cầu.
Giá dầu Brent hiện đã tăng hơn 50% sau khi chạm đáy trong 21 năm xuống còn chưa đến 16 USD/thùng hồi tháng 4. Tuy nhiên, một số nhà phân tích năng lượng cho rằng thị trường dường như đã quá lạc quan trong bối cảnh dịch Covivd-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đà leo dốc của giá “vàng đen” trong phiên này bị chặn lại do lượng tồn kho dầu của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, đe dọa đến triển vọng phục hồi của nhu cầu đối với nhiên liệu.
Theo số liệu của Viện xăng dầu Mỹ (API), lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 8,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/6, trái ngược với dự đoán giảm 1,7 triệu thùng và giới phân tích đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Chuyên gia dầu mỏ Bjornar Tonhaugen của công ty Rystad Energy nhận xét: “Số liệu của API cho thấy nguồn dự trữ vẫn còn khá nhiều, điều này khiến các thương nhân vội vàng bán tháo dầu mỏ trong phiên này”.
Trong khi đó, lượng dự trữ nhiên liệu dầu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm, cũng tăng 4,3 triệu thùng, vượt xa mức tăng dự đoán 3 triệu thùng.
Về mặt cung, triển vọng nhu cầu dầu cũng không mấy khả quan, trước những số liệu cho thấy hoạt động tuyển dụng tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4, cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Trong khi đó, số liệu kinh tế tại Nhật Bản, nước nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới, cũng kém khả quan khi số đơn đặt hàng máy móc đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong hai năm qua trong tháng 4.
Giá dầu tăng mạnh trong những tuần gần đây nhờ được hỗ trợ từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi chung là OPEC+, vừa đồng ý gia hạn cuối tuần qua.
Nhóm OPEC+ hôm đã đồng ý tiếp tục kéo dài việc cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày thêm 1 tháng cho đến tháng 7.
Tuy nhiên, hôm 8/6, Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC và các đồng minh Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ không gia hạn thêm 1,18 triệu thùng/ngày trong các đợt cắt giảm tiếp theo vào tháng 7./.