Giá “vàng đen” tăng liên tục trong phiên giao dịch ngày 29 và 30/7 nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm tại cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương.
Yếu tố tích cực này đã lấn án kết quả kém lạc quan của vòng đàm phán thương mại lần thứ 12 giữa Washington và Bắc Kinh tại Thượng Hải và những lo ngại về kinh tế toàn cầu tăng chậm lại.
Ngoài ra, kinh tế của Mỹ trong quý II/2019 tăng trưởng tích cực hơn mức dự báo của giới phân tích, qua đó làm gia tăng triển vọng đối với nhu cầu dầu mỏ.
Thị trường dầu thế giới cũng được hỗ trợ bởi lo ngại rủi ro với nguồn cung do tình hình căng thẳng tại Eo biển Hormuz - tuyến hàng hải quan trọng trung chuyển của khoảng 20% lượng dầu trên thế giới, vẫn ở mức cao.
Trong phiên ngày 31/7, giá dầu mỏ vẫn duy trì đà đi lên sau khi FED quyết định hạ lãi suất, trong bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.
Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 31/7, FED đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, từ biên độ 2,25-2,5% xuống 2-2,25%. Đây là quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên của ngân hàng trung ương kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhằm hỗ trợ kinh tế Mỹ ứng phó với chiều hướng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 26/7, lượng dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã giảm 8,5 triệu thùng so với tuần trước đó, nhiều hơn mức dự báo khoảng 3,9 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của S&P Global Platts.
Tuy nhiên, giá dầu bất ngờ giảm mạnh hơn 7% trong phiên ngày 1/8, với giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ chứng kiến phiênlao dốc mạnh nhất trong hơn 4 năm qua, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tăng thuế “khủng” đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông Trump ngày 1/8 tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc từ ngày 1/9 tới.
Động thái leo thang chính sách thuế quan mới nhất của ông Trump đã làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư về khả năng giải quyết cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu năng lượng toàn cầu.
“Không giống những vòng thuế quan trước đây, hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế 10%, chủ yếu là hàng hóa thành phẩm, nghĩa là tác động trực tiếp hơn đối với người tiêu dùng Mỹ so với các gói thuế trước đó”, chuyên gia kinh tế toàn cầu Cailin Birch tại Economist Intelligence Unit, nhận định. “Điều này tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế cả Mỹ và Trung Quốc, và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu”.
Sang phiên giao dịch ngày 2/8, giá dầu phục hồi sau phiên giảm sâu do lo ngại tác động từ gói thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/8, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex vọt 1,71 USD (tương đương 3,2%) lên 55,66 USD/thùng, phục hồi từ đà lao dốc 7,9% ở phiên trước đó. Tính chung trong tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt 1%.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10 trên sàn London nhích 1,39 USD (tương đương 2,3%) lên mức 61,89 USD/thùng, sau khi giảm 7% trong ngày 1/8). Giá mặt hàng dầu này cũng hạ 2,5% trong tuần qua.
Chiến lược gia hàng hóa Ryan Fitzmaurice của công ty RoboResearch nhận định: “Thị trường năng lượng vẫn đang bị chi phối bởi quyết định tăng thuế mới của Washington, nhưng từ đầu năm đến nay Trung Quốc nhập khẩu rất ít dầu thô từ Mỹ, nên mức thuế trên rất ít khả năng sẽ tác động trực tiếp đến giá dầu”.
Bên cạnh đó, đà phục hồi của giá dầu trong phiên cũng được hỗ trợ từ thông tin cho biết số giàn khoan tại Mỹ giảm mạnh. Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 2/8 cho biết, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm 5 tuần liên tiếp, sụt 6 giàn xuống 770 giàn trong tuần này.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 1/8 do nhà đầu tư đổ xô vào các kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ và vàng. Đồng USD bị bán tháo do dự báo mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu có thể khiến FED trở nên tích cực hơn trong việc hạ lãi suất và điều này có thể hỗ trợ cho giá dầu.