Trong phiên giao dịch ngày 8/9, giá dầu lao dốc với dầu Brent “rơi” ngưỡng 40 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm gần 8%. Giá dầu Brent rơi xuống 39,78 USD/thùng, chứng kiến phiên giảm thứ 5 liên tiếp và đã mất hơn 10% kể từ cuối tháng 8. Giá dầu WTI cũng có thời điểm chạm đáy kể từ ngày 15/6.
Giá dầu giảm tuần thứ hai liên tiếp do nhu cầu còn yếu trong khi nguồn cung nhiên liệu toàn cầu dồi dào. |
Số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục tăng cao tại Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha và nhiều khu vực ở Mỹ - nơi tỷ lệ lây nhiễm vẫn chưa được kiểm soát suốt nhiều tháng qua. Tình trạng này có thể làm suy yếu đà phục hồi kinh tế thế giới, cản trở nhu cầu nhiên liệu.
Giá “vàng đen” quay đầu phục hồi, thoát đáy 3 tháng trong phiên giao dịch ngày 9/9.
Tuy nhiên, chốt phiên ngày 10/9, giá dầu lại ‘bốc hơi’ gần 2% do lượng tồn kho dầu của Mỹ tăng mạnh. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/9 tăng 2 triệu thùng, vượt dự báo tăng 1,3 triệu thùng từ giới phân tích. Trước đó, Viện dầu mỏ Mỹ (API) ước tính tồn kho tăng 3 triệu thùng.
“Số liệu dầu thô ngày hôm nay có vẻ tiêu cực… với điều an ủi duy nhất là tăng không nhiều như con số của API”, Jim Ritterbusch - chủ tịch Ritterbusch & Associates ở Galena, bang Illinois, nói.
Trong khi đó, tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, ngân hàng ANZ nhận định nhập khẩu nhiên liệu sẽ giảm do các nhà máy lọc dầu tại đây đã đạt hạn ngạch tối đa. Một dấu hiệu đáng ngại nữa là các nhà giao dịch hàng hóa hàng đầu đang đặt tàu chở dầu để lưu trữ dầu thô và diesel.
Giá dầu diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 11/9. Chốt phiên giao dịch này, giá dầu Brent tương lai giảm 23 xu Mỹ, tương đương 0,6%, xuống 39,83 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 3 xu Mỹ, lên 37,33 USD/thùng.
Tính chung trong tuần, giá dầu Brent và WTI đều lao dốc khoảng 6%, chứng kiến tuần giảm thứ hai liên tiếp sau hàng loạt tín hiệu cho thấy thị trường vẫn dư cung.
Giới quan sát nhận định, việc Ả Rập Saudi và Kuwait giảm giá bán chính thức cho các khách hàng ở châu Á, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và các nhà giao dịch dầu mỏ đang tăng cường đặt kho chứa dự trữ là những yếu tố tiêu cực đối với thị trường dầu mỏ.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới đang gia tăng có thể khiến sự hồi phục kinh tế thế giới chậm lại và làm giảm nhu cầu đối với các loại nhiên liệu, trong đó có dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh tại một số quốc gia, dẫn đầu là Ấn Độ, ghi nhận 96.551 ca nhiễm mới ngày 11/9, cao kỷ lục, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 4,5 triệu.
Về nguồn cung tại Mỹ, tồn kho dầu thô tuần trước tăng 2 triệu thùng, các cơ sở lọc dầu dần hoạt động trở lại sau khi phải đóng cửa vì bão tại vịnh Mexico.
Giới buôn dầu bắt đầu đặt thuê tàu chở dầu trở lại để lưu trữ dầu thô và diesel, dấu hiệu cho thấy nguồn cung toàn cầu đang dư thừa.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp sau khi nhiều chỉ số kinh tế cho thấy chặng đường phục hồi từ đại dịch còn dài và nhiều khó khăn.
“Thị trường tài chính tiếp tục điều chỉnh, bao gồm cho cả thị trường dầu mỏ... lo ngại tình trạng dư cung càng gia tăng những bất ổn chung hiện nay”, giới phân tích tại Commerzbank nhận định.
Giá dầu phục hồi từ mức đáy hàng chục năm hồi tháng 4 nhờ chính sách cắt giảm nguồn cung kỷ lục từ đầu tháng 5 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.
Tuy vậy, việc các số liệu kinh tế yếu kém cho thấy nhu cầu dầu vẫn còn “ảm đạm”.
Ủy ban giám sát thị trường của nhóm OPEC+, sẽ họp vào ngày 17/9 để xem xét cách ứng phó với tình trạng dư cung trên thế giới./.