Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất thế kỷ do cuộc khủng hoảng dư cung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent tiếp tục lao dốc xuống dưới 16 USD/thùng, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 1999 do chịu tác động từ tình trạng dư cung toàn cầu.

Cụ thể, giá dầu Brent có thời điểm trong phiên giao dịch ngày 22/4 đã sụt mạnh tới 24%, xuống còn 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/1999. Tuy nhiên, về cuối phiên giao dịch, đà lao dốc của mặt hàng dầu này được thu hẹp khi mất 62 xu Mỹ, tương đương 3,2%, được giao dịch ở mức 18,71 USD/thùng.
 Giá dầu Brent có thời điểm chạm mức đáy kể từ năm 1999.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 60 xu Mỹ, tương đương 5,2%, xuống mức 10,97 USD/thùng.
Thị trường “vàng đen” tiếp tục chịu sức ép từ tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu nhiên liệu sụt giảm kỷ lục do tác động của dịch bệnh Covid-19.
“Thị trường dầu đang rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và khó có thể phục hồi trong ngắn hạn” - nhà môi giới năng lượng Stephen Brennock của công ty PVM nhận xét. “Nhu cầu thì suy yếu, trong khi nguồn cung tăng cao, các kho dự trữ đang đầy tràn dầu”.
Đà giảm của giá dầu thế giới trong phiên này diễn ra sau khi thị trường năng lượng vừa chứng kiến đợt rơi tự do. Các thương nhân đang gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung tăng mạnh, lấn át nhu cầu đối với dầu mỏ sẽ kéo dài trong vài tháng tới.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, chưa thể giúp cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu mỏ.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm hơn 30% và các công ty năng lượng tại Mỹ - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải cạnh tranh để tìm kho dự trữ dầu dư thừa.
Do tình trạng dư cung và nhu cầu năng lượng giảm mạnh khiến giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 5 giảm xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 20/4 vừa qua.
Nhận định về thị trường dầu mỏ, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết không cần phải “kịch tính hóa” tình hình thị trường dầu hiện nay và các nước OPEC+ đang theo dõi sát sao diễn biến của thị trường dầu thế giới và có đủ giải pháp để ứng phó trong trường hợp cần thiết.
Trước đó, hôm 12/4 vừa qua nhóm OPEC+ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 5 tới nhằm ngăn đà lao dốc của giá dầu. Trong khi đó, các nước sản xuất ngoài OPEC+ cũng cam kết giảm sản lượng 3,7 triệu thùng/ngày.
Ả Rập Saudi  - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, ngày 21/4 tuyên bố nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung với các nhà sản xuất dầu mỏ khác, mặc dù cuộc họp chính thức về chính sách sản lượng của nhóm OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Báo cáo của Viện Dầu khí quốc gia Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 13,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 17/4, lên 500 triệu thùng. Dữ liệu chính thức về dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ được Bộ Năng lượng Mỹ công bố trong ngày 22/4 (giờ địa phương)./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần