Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu leo dốc nhờ OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng

Phương Dung (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 1/12, giá dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018.

Dầu thô trên thị trường thế giới tăng giá vào chiều ngày 1/12.
Trong cuộc họp báo ngày 30/11, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết, OPEC và các đồng minh đã đạt được sự đồng thuận về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến hết tháng 12/2018.
Bộ trưởng al-Falih cho biết thêm, Libya và Nigeria đã đồng ý áp dụng mức hạn ngạch sản lượng năm 2017 cho năm tới.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng cho biết, nước này hoàn toàn nhất trí đối với việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm.
Các nước tham gia thỏa thuận cũng phát tín hiệu có thể kết thúc thỏa thuận sớm hơn dự kiến nếu thị trường dầu toàn cầu có dấu hiệu quá thắt chặt nguồn cung.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 17 xu Mỹ so với đóng cửa ngày thứ Năm, lên mức 57,57 USD/thùng. Trong tháng 11, giá dầu này đã tăng khoảng 5,6%, đánh dấu tháng tăng thứ ba liên tục.

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2 tăng 24 xu Mỹ, đứng ở mức 62,87 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex nhích 10 xu Mỹ, tương đương gần 0,2%, lên 57,40 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tăng 46 xu Mỹ, tương đương 0,7%, lên 63,57 USD/thùng.
Trước đó, trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu Brent tại thị trường London tăng 46 xu Mỹ, tương đương tăng 0,7%, chốt ở mức 63,57 USD/thùng. Tháng 11 cũng là tháng tăng thứ ba liên tiếp của giá dầu Brent, với mức tăng khoảng 3,6%.
Giới phân tích cho biết việc OPEC và Nga gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng đã được phản ánh hết vào giá dầu, bởi điều này không nằm ngoài dự báo từ trước của thị trường.
Theo thỏa thuận, các nước sẽ giảm sản lượng 1,8 triệu thùng mỗi ngày so với mức trước khi thỏa thuận được ký kết vào cuối năm 2016
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, ông Khalid al-Falih, nói trong vòng 2 quý tới sẽ là vẫn quá sớm để nói về việc chấm dứt việc cắt giảm sản lượng dầu.
Ông al-Falih cũng nói OPEC sẽ đánh giá về hiệu quả của thỏa thuận trong cuộc họp định kỳ của tổ chức này vào tháng 6 tới.
OPEC và Nga chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu. Việc lần đầu tiên Nga hợp tác thực sự với OPEC đã giúp giảm khoảng 50% lượng dầu dư thừa trên thị trường toàn cầu từ đầu năm đến nay.
Khai thác dầu đá phiến của Mỹ.
Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá OPEC đang cho thấy "cam kết mạnh mẽ đối với việc đưa lượng dầu tồn kho về mức bình thường".
Tuy nhiên, Nga bày tỏ lo ngại rằng việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể dẫn tới việc tăng mạnh sản lượng dầu thô tại Mỹ, nước vốn không tham gia thỏa thuận này.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, sản lượng khai thác dầu của nước này đã đạt mức kỷ lục 9,68 triệu thùng trong tuần trước.
Brian Youngberg, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Edward Jones nhận định: “Việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm thêm 9 tháng nữa đến cuối năm 2018 là lý do chính giúp thị trường có thể cân bằng vào nửa cuối năm tới, nhưng vẫn có một số yếu tố khác như phản ứng của các nhà sản xuất dầu đá phiến, nhu cầu dầu và một số vấn đề địa chính trị như Venezuela, xung đột giữa Iran và Ả Rập Saudi. Với tất cả những điều trên, tôi kỳ vọng giá dầu sẽ duy trì mức giá hiện tại hoặc cao hơn cho đến cuối năm tới”.